Nhắc đến Phật giáo, chúng ta nghĩ đến từ bi cứu
khổ. Hình ảnh cứu khổ tiêu biểu tuyệt vời nhất không ai khác hơn là đức
Bồ-tát Quán Thế Âm luôn hiện hữu trong tâm thức của những người con
Phật. Vị Bồ-tát này có đầy đủ phẩm chất của một người mẹ trong tất cả
những người mẹ. Hình như trong mọi trái tim của những người con Phật
thuần thành - nhất là giới Phật tử bình dân - không ai là không có hình
ảnh đáng tôn kính của vị Bồ tát giàu lòng bi mẫn này. Mỗi khi nói về
Ngài, tựa hồ chúng ta ai cũng biết, nhưng có lẽ không ai dám cho là mình
đã hiểu biết đầy đủ tất cả.
Ở Việt Nam
chúng ta, các cụ già thường hay dạy bảo con cái phải luôn tưởng nhớ công ơn cha
mẹ. Người cha đứng đắn dạy bảo con cái nghiêm trang, được gọi là nghiêm phụ.
Người mẹ hiền lành thường khuyên răn con nhỏ nhẹ, chớ không rầy đánh nên được gọi
là từ mẫu tức mẹ hiền. Cha thì nghiêm, mẹ thì từ. Bồ tát Quán Thế Âm tu hạnh từ
bi, thường cứu khổ chúng sanh, nên người ta thường xưng tán Ngài là Đại từ Đại
bi Quán Thế Âm Bồ-tát. Hạnh đại từ bi của Ngài là lúc nào cũng an ủi, nhắc nhở,
khuyên lơn, đem lại nguồn an vui cho tất cả chúng sanh. Ở đâu có tiếng than, có
nỗi khổ, Ngài đều đến để cứu vớt. Vì vậy Ngài tượng trưng cho tâm hạnh từ bi.
Hạnh từ bi thì gần với tình thương của người mẹ, nên người ta tạc tượng Ngài là
nữ. Đó là hình ảnh biểu trưng cho hạnh từ bi, chớ không phải Ngài thật là người
nữ.
Bồ tát Quán Thế Âm tiếng Phạn gọi là Avalokitesvara.
Ngài là một vị Phật thành tựu trong đời quá khứ hiệu là Chánh Pháp Minh Như
Lai, thị hiện trong đời làm một bậc Đại Bồ-tát để trợ duyên cho chư Phật Thế
Tôn giáo hóa chúng sanh và gần gũi chúng sanh để tế độ ra khỏi cảnh đau khổ.
Hình tướngNgài là nam nhân trong Phật giáo Ấn Độ. Trong Phật giáo Trung
Quốc, Ngài mang tướng nữ nhân kể từ đời nhà Đường. Bồ-tát là mẫu người lý tưởng
của Phật giáo Đại thừa. Ngay các Đức Phật, sau khi đã viên mãn công đức cũng
tham gia Bồ-tát hạnh, chứ không an trú nghỉ ngơi ở Niết Bàn.
Thể theo tinh thần Phật giáo Đại thừa, tướng nam hay
tướng nữ đều là bình đẳng, chỉ là sự thị hiện Pháp thân, “ông” hay “bà” Quán
Thế Âm không quan trọng, vì ai ai cũng tôn kính vị Bồ tát cứu khổ cứu nạn cho
khắp tất cả chúng sanh trên thế giới này.
Bồ-tát Quán Thế Âm hiện nay thường được biết đến với
hình tướng một người phụ nữ đẹp đẽ và hiền từ, trang nghiêm và thanh thoát, một
tay cầm nhành dương liễu và một tay cầm tịnh bình… Bồ-tát hiển linh nhiệm mầu
thị hiện khắp mọi nơi để giáo hóa mọi chúng sanh chìm đắm trong khổ đau nơi cõi
Ta bà.
Tay mặt Ngài cầm cành dương liễu là tượng trưng cho đức
nhẫn nhục. Tay trái cầm bình thanh tịnh đựng
nước cam lồ là tượng trưng cho tâm từ bi. Chỉ có cành dương liễu mới có khả
năng mang nước cam lồ rưới mát chúng sanh. Vì thế, cành dương được tượng trưng
cho đức nhẫn nhục. Nhẫn nhục không có nghĩa ai làm sao cũng được, ai bảo gì
cũng nghe. Chính bản chất của nó là khéo tùy thuận người, để hướng dẫn họ, theo
đường lối hay lập trường của mình. Tùy thuận mà không bị họ chi phối, ngược lại
chi phối được họ? Người nhẫn nhục mới trông qua như rất yếu hèn, kỳ thật họ có
sức mạnh phi thường, đã tự chiến thắng được tình cảm, phản ứng theo bản năng
của cuộc sống.
Bể cả triều dâng tiếng Phổ môn,
Chín tầng sen ngát hiện đồng chơn
Cam lồ giọt nước cành dương rải
Thấm nhuần sơn hà cảnh sắc xuân.
Bồ-tát Quán Thế Âm chính là hiện thân của lòng bi mẫn.
Muốn nói lên tình thương chân thành tha thiết nhất trong con người, không gì
sánh bằng tình mẹ thương con. Mẹ đối với con là tình thương chân thành thâm
thúy bao la, khó lấy cái gì có thể so sánh được. Cho nên, Đức Quán Thế Âm hiện
thân là một người mẹ hiền của nhân loại, hay của tất cả chúng sanh. Người mẹ
dầu bận công ăn việc làm gì, một khi nghe tiếng con kêu khóc, mẹ buông bỏ tất
cả vội vàng chạy lại vỗ về con. Đức Quán Thế Âm cũng thế, dù bận việc giáo hóa
ở đâu, một khi nghe tiếng kêu thương của chúng sanh, Ngài liền hiện thân đến an
ủi. Vì thế, gọi Ngài là Bồ-tát Quán Thế Âm, người mẹ hiền của tất cả chúng
sanh, người mẹ lúc nào cũng lắng nghe tiếng nấc nở từ cõi lòng của đàn con dại
đang đắm chìm trong bể khổ mênh mông, để đến xoa diu, cứu thoát khiến mọi khổ
não đều được tiêu tan.
Với lòng tôn kính sâu sắc của mình, người ta họa nên
những hình tượng tôn kính nhất Bồ-tát Quán Thế Âm như mẹ hiền… Điều đó phù hợp
thể hiện thực, nhân sinh mà lại gần gũi. Với những hạnh nguyện của Ngài thị
hiện ra nhiều hóa thân, để làm cho chúng sanh có lòng tin Tam bảo, lòng từ của
Bồ-tát đến với tất của chúng sanh không giới hạn.
Sự hiện thân của Đức Quán Thế Âm mang đến cho chúng ta
một thông điệp đó là tình thương yêu, nhẫn nại và sự tỉnh thức vì lòng từ bi
dùng mọi phương tiện hóa thân…Với những hạnh nguyện cứu độ chúng sanh, Bồ tát
luôn luôn có mặt khắp nơi dìu dắt mọi người thoát khỏi khổ đau.
Qua những ý nghĩa trên, chúng ta thấy lòng từ bi cao
cả của Bồ tát thật khôn lường. Lễ bái tượng Bồ-tát Quán Thế Âm, chúng
ta phải luôn ghi nhớ hai đức tánh căn bản của Ngài: nhẫn nhục và từ
bi, để đem áp
dụng đời sống hàng ngày. Có thế, sự lễ bái mới thật sự hữu ích và vô
cùng cần
thiết.
Thích Giác Thiện