Đông tàn, xuân đến. Trăm hoa vươn dậy đua nhau
khoe sắc. Loài hoa nào cũng có vẻ đẹp riêng, hình dáng và sắc thái riêng
gợi lên cho ta nhiều cảm xúc khác nhau. Nhưng loài hoa mang đến niềm
tự hào và ở mãi trong lòng người dân miền Nam là hoa Mai vàng rực rỡ.
Một loài hoa tao nhã, thân thiện là vẻ đẹp mùa xuân trong nếp sống văn
hóa lâu đời của người dân miền nam Việt Nam.
Một gốc mai vàng khoe
sắc giữa sân nhà như là sứ giả mang thông điệp mùa xuân của niềm vui và
hạnh phúc. Hoa mai nở như đánh dấu một mốc thời gian đáng nhớ, vì hoa
mai với mùa xuân đã như là một mối duyên tao ngộ. Khi nhắc đến xuân ta
biết rằng sẽ có mai hiện hữu và khi ta nghĩ đến hoa mai lòng ta rộn rã
đón xuân về. Mùa xuân trên đất Phương Nam sẽ nhạt nhòa và trống vắng lắm
nếu vắng bóng hoa mai. Nhìn hoa mai vàng nở rộ có khách tha hương nào
khộng chợt nhớ đến xuân trên đất tổ quê cha. Cánh hoa vàng lung linh
trước gió cảm khái bâng khuâng ta yêu mai da diết, chợt nhớ trong khoảnh
khắc ấy hoa khẽ chuyển mình từng cánh vành rụng rơi lã chã. Mặt đất
ngập xác hoa mai như đưa ta lạc vào một khu rừng đầy những chiếc lá vàng
của mùa thu.
Nhìn ngắm chiêm ngưỡng và phải sâu sắc lắm mới thưởng ngoạn hết mùi
hương thanh thoát của hoa mai. Mùi hương ấy mang vẻ đẹp ẩn hiện của sự
nhẫn nhục và kiêu dũng, giữa tuyết đông khắc nghiệt để sau cái lạnh
thấu xương đó hoa kết nụ đâm chồi, hương mai lan tỏa dịu dàng thanh
khiết. Để mùa xuân luôn chan hòa thắm thiết và để hoa mai tao ngộ với
thi nhân. Thiền sư Hy Vân đã cảm nhận được hương thơm tinh túy đó qua
những câu thơ về hoa mai
'' ...Bất nhị nhất phiên hàn triệt cốt
Tranh đắc mai hoa phốc tủy hương''
Dịch nghĩa là:
''...Chẳng phải một phen sương buốt lạnh
Hoa mai đâu dễ ngử mùi hương''
Thật vậy, Mai phải trải qua mưa bão của mùa đông đen tối, những nụ hoa
vàng tinh khiết và mầu nhiệm ấy được tích tụ từ những nỗi lạnh lùng,
giông bão dập vùi mà không hề nao núng. Mai tô điểm cho mùa xuân ấm áp
và lưu dấu vẻ đẹp mãi cho đời. Nếu hoa mai không chịu được giá rét thì
những cánh hoa tinh anh kia làm sao mà ấp ủ được mùi hương riêng biệt và
nhẹ nhàng đi vào lòng người đến thế. Cũng vậy, giống như mai những
người học Phật phải vượt qua, kiên tâm bền vững, dũng mãnh ý chí và tinh
thần tự chiến thắng mọi nghịch cảnh, chướng duyên để ngửi được mùi
hương nhiệm mầu của đạo pháp. thưởng thức được hương an lạc, hương giải
thoát và thành tựu hương đức hạnh cao quý. Ý nghĩa thâm thúy về sự bất
biệt trong chánh pháp còn được thiền sư Mãn Giác khắc họa rất tinh tế
trong bài thơ về hoa mai:
''....Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai''
Dịch nghĩa là:
''... Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai.''
Mùa xuân có tàn hoa có rụng là lẽ tự nhiên nhưng trong đêm xuân tàn đó
vẫn có một cành mai nở muộn, âm thầm khẳng định sự bất diệt với thời
gian không theo trình tự hay nguyên lý nào cả. Cuộc sống luôn luân
chuyển theo chu kỳ sinh - trụ-dị - diệt. Vô thường lắm. Hình ảnh hoa mai
nở muộn trước sân là tâm ta cũng thế. Hiển nhiên là sinh diệt nhưng
cũng là bất diệt, trong chính ngay chỗ sinh diệt ấy nhưng tâm ta bất
diệt không vướng mắc với sinh tử. An trụ nơi Pháp Phật vi diệu an lạc
ngay khi dòng đời sóng gió, tâm ta bất biến với muôn vạn biến cố của thế
gian này.
Vẻ đẹp của hoa mai không
quyến rũ như hoa hồng, những cánh mai đính trên cây khô cằn cỗi tạo nên
vẻ đẹp tương phản và độc đáo làm tăng thêm vẻ duyên dáng yêu kiều. Ngay
khoảnh khắc xuân đến ấy mai được phong là vua của các loài hoa xuân. Vẻ
đẹp của hoa Mai còn là vẻ đẹp của sự hiểu biết vẹn toàn và phẩm chất cao
quý. Hoa mai đã khoe sắc diễm kiều đã phô diễn hết vẻ đẹp của màu hoa
trong ngày tết. Mang sắc thái văn hóa Việt lưu dấu sâu đậm trong lòng
mỗi người khi chợt nghĩ về xuân. Mỗi chiếc lá nảy lộc đâm chồi là một sự
thay đổi cho một chu kỳ mới và sự phát triển sung mãn cho một xã hội
mới.
Mai đã đến rồi đi và trở lại
cùng với xuân chợt đến với vội qua. Mai đã đi từ vũ trụ của thiên nhiên
đến góp phần vào nhân sinh trong hồn dân tộc. Hoa mai là niềm tự hào đã
để lại ấn tượng đẹp sâu đậm và hài hòa trong mỗi người khi nói đến xuân
và văn hóa Việt Nam.
Phương Mai