Cuộc đời của con người là hành trình chạy không
biết mỏi, cứ chạy hoài, chạy mãi. Thử hỏi có khi nào chúng ta dừng chân
lại hay không? Dừng chân để làm gì? Để tư duy, suy ngẫm về cuộc đời,
chúng ta gặt hái được hạnh phúc nhiều hay khổ đau không ít. Nếu có dừng,
phải chăng khi cuộc đời chúng ta đến con đường cùng khổ, không có lối
về, lúc đó ta mới nhanh chóng giác ngộ? Vấn đề này Đức Phật gọi quay đầu
là bờ, có nghĩa là tìm lại với Phật tánh trong tâm của chính mình.
Thực ra, tâm Phật thì ai cũng có, nhưng không hiển lộ bởi chúng ta đang bị một nguồn vô minh dày đặc bao phủ.
Tâm-
bản chất của nó luôn trọn vẹn và được chiếu soi bởi Phật tánh sáng
suốt, nhưng trong cuộc sống nếu chúng ta không tỉnh thức nhận diện được
bản thể của nó thì khi nó tiếp xúc với đối tượng của sắc trần, nó dễ có
thể trở thành những đợt sóng mạnh mẽ, che mờ ánh sáng trí tuệ, dẫn đến
gây ra nhiều phiền muộn, đau khổ mà dường như chúng ta khó có khả năng
điều khiển được.
Nguyên tắc sống mà Đức
Phật dạy để chúng ta có một đời sống an lạc, hạnh phúc mà, chúng ta
không phải tìm nơi nào xa xôi, cũng không cầu xin thượng đế ban cho mà
là chính chúng ta gặt hái được khi sống không lìa tâm Phật.
Đức Phật dạy:
“Sống ít với Phật tánh thì khổ nhiều.
Sống nhiều với Phật tánh thì khổ ít.
Sống trọn vẹn với Phật tánh thì hết khổ”.
Phật
tánh ở đây là tâm Phật, mà tâm Phật thì lúc nào cũng đầy đủ từ bi và
trí tuệ, nói rộng ra là nó được bao trùm bởi dòng nước thanh lương. Tứ
vô lượng tâm đó là Từ, Bi, Hỷ, Xả. Có tâm Phật, chúng ta lúc nào cũng
muốn giải trừ tất cả khổ đau của mọi người, luôn mở cõi lòng bao dung,
tha thứ, chia sẽ niềm vui, nỗi buồn của người khác, bên cạnh đó, chúng
ta luôn vui mừng trước những thành công với người dẫu là kẻ oán, người
thân. Đến một lúc nào đó, tâm từ bi chúng ta mở rộng, chúng ta thường cả
những người mà mình đang ghét. Tình thương không biên giới, không phân
biệt, cho nên có bài thơ:
“Trăm năm trước thì ta không có.
Trăm năm sau có lại hoàn không.
Cuộc đời sắc sắc, không không.
Trăm năm còn lại tấm lòng từ bi”
Chúng
ta sống với Phật tánh là chúng ta đang sống trong biển đại dương trí
tuệ sáng suốt, tâm hướng Phật, chúng ta luôn được sự giao cảm của Đức
Phật, mà với trí tuệ có sẵn, ta sẽ giải quyết mọi vấn đề một cách rốt
ráo, không có gì ngăn ngại. Cuộc sống của chúng ta dẫu có khó khăn đến
mấy chúng ta vẫn có thể vượt qua.
Sống với
Phật tánh một ngày thì ta được công đức vô lượng vô biên, mỗi giây, mỗi
phút ta chuyển hóa được nội tâm, giải trừ tất cả tham lam, sân hận, si
mê, để tìm được hạnh phúc lâu dài nơi chính mình.
Chúng
ta thấy rằng: trong cuộc sống nhiều người cứ mãi bươn chải, lo kế sinh
nhai, tháng ngày mong tìm hạnh phúc, dẫu rằng họ luôn sống trong cảnh
giàu sang. Đối với họ, tìm được giây phút an lạc, thảnh thơi, bình yên
là điều mong muốn. Nhưng thật là khó, bởi cuộc sống của họ, niềm vui thì
ít, mà khổ đau thì nhiều. Bởi vì tâm thức của họ lúc nào cũng bị chi
phối bởi tiền tài, danh vọng. Họ không biết đâu là điểm dừng, mà họ có
ngờ đâu hạnh phúc đang ở trong hiện tại.
Cho
nên chúng ta đang nắm giữ trong tay một kho tàng quý báu mà Đức Phật đã
chỉ dạy. Chúng ta phải thực sự vui mừng khi thấy rằng ngày hôm nay
chúng ta trưởng thành, tiến bộ hơn ngày hôm qua, giây phút này ta trưởng
thành và tiến bộ hơn giây phút trước. Hít vào thật sâu, thở ra thật
sạch, những ý nghĩ và hành động trong tâm thức ta luôn thơm ngát hương
hoa, cuộc sống của ta trở nên đẹp, hạnh phúc và ý nghĩa hơn.
Chúng
ta phải nhận thức rằng: “cuộc sống hướng ngoại quá nhiều là cuộc sống
trôi lăn, là cuộc sống của dòng sanh tử, cuộc sống hướng nội là cuộc
sống tâm linh, là cuộc sống vượt thoát khổ đau, vượt thoát ràng buộc. Do
vậy, sống với tâm Phật là chúng ta phải biết kết hợp hài hòa giữa hai
cuộc sống, cùng hướng nội và một chút hướng ngoại để cuộc sống tâm linh
được thăng hoa và giúp đời bớt khổ.
Lòng
trải nghiệm, ta để dòng tâm thức của mình lắng dịu, hòa chung với dòng
chảy từ bi, và trí tuệ của Đức Phật. Cứ như thế, giây phút này, ngày hôm
nay và mãi mãi về sau ta sẽ luôn sống trong hạnh phúc, an lạc mà bấy
lâu ta mãi đi tìm.
Hương Đàm Hạ - Như Huệ