Khi gặp một phận đời bất hạnh trên đường, giữa dòng chảy cuộc đời xô bồ, lao chen mà trái tim mình còn rung lên, lòng mình còn khởi được ý niệm mong cho người bớt khổ có nghĩa là hạt giống từ trong mình vừa được tưới tẩm.
Để trái tim phát đi thông điệp thương yêu bạn phải tưới tẩm hạt giống từ trong tâm
Thử nhận diện điều ấy một lần và nhiều lần bằng cách thực
tập gieo trồng tình thương bằng ý niệm chắc chắn ta sẽ thấy cuộc sống
mình thật sự có ý nghĩa, thật sự đáng yêu. Và rồi sự tích luỹ về lượng ý
niệm ấy sẽ có lúc đủ lớn để chất từ bi được xuyên suốt trong mình, ra
cả lời nói và hành động.
Nhiều
người nhận định giới trẻ đang bị mắc “hội chứng” vô cảm mà biểu hiện là
cách ăn mặc se sua, đua đòi, mặc kệ sự khó khổ của chính ba mẹ mình và
những người xung quanh. Lối sống mac-ke-no (mặc kệ nó) được mổ xẻ một
cách nghiêm túc với những điều giản đơn mà người trẻ bỏ qua, như chuyện
nhường ghế xe buýt cho người gia và thai phụ; chuyện nhìn thấy cảnh đánh
hội đồng, lột áo của người khác nhưng vẫn dửng dưng, thậm chí còn hô
hào, cổ suý… Lối sống ấy của người trẻ được xem là nguy hiểm bởi dường
như trong trái tim các bạn ấy quá ít những hạt giống thương yêu.
Sự
tắc nghẽn của trái tim bởi sự vô cảm ấy còn nói lên rằng, người trẻ
đang gieo những hạt giống khổ đau cho người khác, cũng có nghĩa là cho
chính mình.
Quy luật nhân-quả mà Đức Thế
Tôn tuyên dương là một quy luật không thể khác! Định luật ấy được chứng
minh rất dễ dàng ngay trong đời sống hàng ngày mà chúng ta quên mất,
hoặc có đôi khi nhớ nhưng rồi không đủ khả năng vượt qua chính mình, nên
cứ tạo tác nhân bất thiện, tiếp tục gieo rắc nỗi khổ niềm đau...
Thông
điệp từ trái tim của mỗi người sẽ là sợi dây truyền thông đến cộng
đồng, bằng sự tương tác và tương tức; rằng, nếu mình phát đi tình thương
thì người khác sẽ cảm nhận được, vì mình có trong họ. Khi mình yêu
thương một người bằng bi tâm của người con Phật thì người được yêu
thương sẽ ít nhiều có được sự lắng dịu, bằng an. Bởi mình đã có trong
họ, và họ cũng có trong mình! Vì vậy, không hề là vô ích nếu mình gặp
một mảnh đời bất hạnh và sẵn sàng lắng lòng nguyện cầu cho họ. Bởi, ý
niệm và sự thực tập ấy còn là cách mình tưới tẩm hạt giống từ bi, hạt
giống thành Phật trong tâm mình!
Đừng để
trái tim mình vô cảm, đừng để trái tim có màu sỏi đá, khô khan, cằn cỏi…
Đó là thông điệp từ trái tim của bài viết này, và tức nhiên của người
viết. Thông điệp ấy phát đi giữa mùa Đản sinh, mùa kỷ niệm Đức Phật thị
hiện là một cách gửi gắm, cùng với những thông điệp khác, của những
người con Phật trên khắp năm châu. Phát đi thông điệp ấy là vì tôi ngộ
ra rằng, Thế Tôn ra đời vì hạnh phúc của số đông, nên Ngài nói giáo
pháp-phương tiện để chúng sinh có cái mà đi đến hạnh phúc, giải thoát.
Hạnh phúc lớn nhất của chúng sinh chắc chắn không phải là sắc đẹp, tình
yêu, danh vọng, và tiền bạc mà là sự giải thoát, an lạc, tự tại… Ai là
người con Phật, tu theo Phật, đi theo dấu chân của Phật thì sẽ cảm nhận
được điều đó.
Lắng lòng, và bắt đầu nghĩ về
những điều thiện lành, thở một hơi thở có ý thức để rồi cùng gửi đi một
thông điệp thật ý nghĩa, bằng cả tình thương và sự hiểu biết của mình.
Đó là những thông điệp như hoà bình, bảo vệ môi trường, nhân phẩm con
người, bảo vệ các loài súc sanh, gửi năng lượng cho những chúng sinh
trong cõi ngạ quỹ, địa ngục… Thông điệp ấy đương nhiên phải bắt đầu từ
những rung cảm chân thật trước hiện tại, với những câu hỏi như: Tại sao
lại chiến tranh? Tại sao lại bạo động, khủng bố? Tại sao lại làm khổ
nhau và làm khổ chính mình?...
Chỉ khi nào
mình thấy được giá trị của từ bi, của gieo nhân thương yêu, tưới tẩm
lòng từ… thì mình mới có thể khởi phát thông điệp ấy, thật sâu lắng.
Muốn thấy được vậy phải có hiểu biết, và muốn hiểu biết đúng mình phải
lắng nghe sâu. Thực ra lắng nghe sâu cũng chính là thiền định, bởi chỉ
có định tâm mình mới có thể nghe sâu được ai đó, nghe được những đau
thương giữa cuộc đời này… Con đường ấy tôi đang đi và tôi gọi tên là
“theo dấu Như Lai”!
Đình Long