Suy Ngẫm

  • Đức Phật Trong Đời

    Đức Thế Tôn xuất hiện trong đời là một sự kiện vô cùng trọng đại, quí báu và hy hữu đối với nhân loại và muôn loài chúng sanh. Kinh văn từng ghi về sự kiện ấy như sau: "Một Chúng Sanh duy nhất, một Con Người phi thường, xuất hiện trong thế gian này, vì lợi ích cho phần đông, vì hạnh phúc của phần đông, vì lòng bi mẫn, vì sự tốt đẹp, vì lợi ích và hạnh phúc của chư Thiên và nhân loại."[1] Để kỷ niệm ngày Đản sanh lần thứ 2632 của Đức Từ phụ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni, thành kính dâng lên Ngài đóa hoa lòng qua bài viết Đức Phật trong đời.

     

     

    Phật giáo qua hơn 25 thế kỷ truyền bá và phát triển trên khắp thế giới đã có rất nhiều cách nhìn khác nhau về Đức Thế Tôn. Có người nhìn đức Phật như một vị thần linh có thể cầu xin để được ban phước giáng họa. Lối nhìn này thường được xem là thần linh hóa đức Phật; và những người đi chùa lễ Phật để cầu xin này nọ thì được xem như là những người chỉ mới đến được cổng ngoài của đạo. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng phần tín ngưỡng bao giờ cũng là phần quan trọng thiết yếu trong đời sống tinh thần của con người. Trước một vũ trụ bao la, trước biển cả mênh mông, trước thiên tai cuồng phong dữ dội, trước định luật vô thường khắt khe nhưng nghiêm ngặt, và đặt biệt trước lòng tham sân si vô bờ và ác tâm vô cùng của nhân loại, con người dù tự chủ bao nhiêu, dù hùng mạnh đến đâu đôi lúc vẫn cảm thấy rất nhỏ bé trước những thế lực hung tàn đó. Lấy ví dụ một người mẹ bỗng nghe con mình bị tai nạn xe hơi, người Mẹ đó trước hết có thể làm gì ngoài việc khởi một ý nguyện mong cầu bình an cho con mình? Hoặc một người nào đó đang bị bịnh ung thư và các y bác sĩ và các bệnh viện đã bó tay, người đó và thân nhân bạn bè của người đó có thể làm gì ngoài việc cầu nguyện? Một thiền sư vừa hay tin một cơn động đất vừa mới tàn phá nhà cửa và cướp đi sinh mạng của nhiều người và để lại nhiều hậu quả tang thương, vị ấy trước nhất có thể làm gì nếu không phải là khởi một tâm niệm nguyện cầu cho các nạn nhân bị thiên tai? Vì vậy mà phần cầu nguyện và tín ngưỡng bao giờ cũng chiếm phần trọng yếu trong đời sống thường nhật của con người. Tuy nhiên phần tín ngưỡng chỉ mới là phần vỏ của Phật giáo. Phật giáo như một kho tàng vô tận mà càng đi sâu chúng ta càng khám phá ra nhiều báu vật vô giá. Đây chính là điểm mà người Tây phương rất thích ở Phật giáo. Phần tín ngưỡng thì đạo nào cũng có rồi, đặc biệt càng có rõ là những tôn giáo thần quyền Tây phương. Phật giáo còn có phần bên trong, phần cốt lõi thâm sâu hơn, uyên áo hơn, và đức Phật ở đây không còn được nhìn như là một vị thần linh mà ngài rất là người, rất bình thường nhưng cũng rất vĩ đại và cao cả. Từ một con người bình thường nhưng với tình thương cao cả, với đức Từ bi vô lượng, với Trí tuệ sâu sắc Ngài đã chuyển đổi được tham sân si thành tình thương vô lượng và thành động lực mạnh mẽ để lên đường tìm một hướng đi cao đẹp cho nhân loại, chuyển tham dục thành tình thương lớn, chuyển sân hận thành Bồ đề tâm và nhiệt huyết phụng sự hóa độ chúng sanh, chuyển si mê thành trí tuệ vô ngã và giải thoát. Cái khả năng chuyển đổi hay khả tính thành Phật vĩ đại và cao cả đó mọi người đều có, chỉ hiềm là vì còn mê nên chưa biểu hiện mà thôi! Đây là một nét đặc thù tiêu biểu nhất của Phật giáo mà chúng ta có thể giới thiệu cho các bạn hữu Tây phương, những người đã có một nền tảng tín ngưỡng thần quyền vững chắc, nhưng vẫn rất thích Đạo Phật vì Đạo Phật dạy bình đẳng tuyệt đối qua khả tính thành Phật nơi mỗi chúng sanh. Ai cũng có tâm Phật và ai cũng có thể thành Phật! Dù bạn đang ở thân phận nào hay trong một vị trí xã hội thấp hèn nào, bạn cũng có thể vươn lên để được thành Phật và đạt hạnh phúc tối thượng như Phật không khác. Có thể nói chưa bao giờ trong lịch sử các tôn giáo chúng ta có thể tìm thấy tính bình đẳng tuyệt đối này như trong Phật giáo: Đệ tử của Phật có thể thành Phật; một người đệ tử có thể đạt được vị trí cao nhất ngang bằng vị trí tối tôn của đấng Giáo chủ.

    Phật trong Tâm, "Phật trong nhà", và Phật trong đời:

    Hẳn ai cũng có thể biết ở Việt Nam vào khoảng thế kỷ 13 có một vị vua đã bỏ ngai vàng để đi tu. Đó là vua Trần Nhân Tôn mà sau này có hiệu là Trúc Lâm Đại Đầu Đà, thế nhân thường gọi Ngài là Phật Hoàng Trần Nhân Tôn. Trần Nhân Tôn xuất gia và đã đạt được lẽ huyền vi của đạo. Ngài đã mở đầu cho một thiền phái đặc sắc riêng của Việt Nam, thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Nơi Ngài xuất gia tu tập là núi Yên Tử ở Việt Nam mà nhân gian bây giờ vẫn còn truyền tụng câu: "chưa lên Yên Tử chưa đành lòng tu". Phải chăng tinh thần thiền của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã ăn sâu trong lòng người dân bình thường Việt Nam?

    Một nét đặc sắc trong quan niệm về đức Phật của Phật Hoàng Trần Nhân Tôn đó là quan niệm Phật tại tâm hay Phật "ở trong nhà", được thể hiện trong bài thơ Cư Trần Lạc Đạo Phú của ngài:

    "Bụt ở trong nhà
    Chẳng phải tìm xa
    Nhân khuây bản nên ta tìm Bụt
    Đến cốc hay chỉn Bụt là ta"

    (Bụt ở trong nhà
    Chẳng phải tìm xa
    Vì quên mất gốc nên ta tìm Bụt
    Nào có hay Bụt chính là ta).

    Ở đây cần nhấn mạnh rằng danh từ Bụt (có gốc từ chữ Buddha, theo tiếng Phạn) đã được dùng để chỉ Phật; danh từ này đã được dân gian hóa và rất được yêu chuộng trong văn học dân gian Việt Nam như trong các chuyện cổ tích như truyện Tấm Cám, v.v.

    "Bụt ở trong nhà". Nhà nào?  Nhà chính là xác thân năm uẩn gồm sắc, thọ, tưởng, hành và thức này. Chính đức Thế Tôn cũng từng xác nhận trong các kinh Nikaya rằng trong chính xác thân năm uẩn này Như Lai tuyên bố thế gian, nguồn gốc của thế gian, sự chấm dứt thế gian và con đường đưa đến sự chấm dứt thế gian. Là Phật tử theo truyền thống Đại thừa, ai trong chúng ta mà không biết hay không từng đọc Bát Nhã Tâm kinh? Chúng ta có biết chăng rằng chính đức Bồ tát Quán Thế Âm cũng nhờ quán chiếu chính thân năm uẩn để thấy tự tánh nó là không mà chứng đạt Niết bàn tối thượng, vượt qua được tất cả khổ ách: "Quán Tự Tại Bồ tát hành thâm Bát Nhã Ba la mật đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thế khổ ách". Vậy phải chăng cũng chính trong thân tâm này mà chúng ta khởi hành tu tập, chính trong thân tâm này chúng ta tìm ra con đường và phương hướng tu tập, cũng chính trong thân tâm này mà chúng ta đạt được an lạc hạnh phúc, đạt được các thánh quả, và chính trong thân tâm này mà chúng ta tìm thấy Phật vậy? Thử hỏi khi bạn khổ hay vui thì cái gì khổ, cái gì vui? Chính là thân tâm này vậy. Khi bạn tu tập và đạt được pháp lạc thì ai tu tập và ai an lạc? Cũng chính là thân tâm này vậy. Cho nên trong kinh Thủ Lăng Nghiêm khi ngài A Nan hỏi cái gì là cội gốc của phiền não khổ đau và cái gì là cội gốc của Bồ đề Niết bàn, mười phương Như Lai đều đồng thanh dạy A Nan rằng cội gốc của phiền não và Bồ đề chính là 6 căn của ông.

    Quan niệm Phật "ở trong nhà" hay Phật tại tâm không chỉ là một quan niệm triết lý mà đó chính là một phương thức để tu tập và thực hành giáo lý thâm sâu của đạo Phật trong đời sống hàng ngày. Khi bạn biết được trong bạn có Phật, bạn sẽ "thôi tìm kiếm" ở bên ngoài, như bài thơ của Phật Hoàng Trần Nhân Tông từng nhắc nhở: "Bụt ở trong nhà, Chẳng phải tìm xa"; hay: "Trong nhà có báu thôi tìm kiếm". Chỉ cần "thôi tìm kiếm" thì đã có an rồi, có vui rồi! Con người sở dĩ phải đau khổ vì luôn luôn thấy mình thiếu thốn, thấy mình cần phải bôn ba tìm cầu cái này cái nọ. Chỉ cần nhận thức được trong mình "đã có Phật rồi", "đã có của báu rồi", thì cũng đã đỡ khổ rất nhiều. Đỡ khổ vì không phải chạy chọt, không phải vất vả tìm cầu, không phải lao đao bận rộn, không phải lo lắng bồn chồn vì sợ mình thiếu hay mình không có. Hạnh phúc chỉ thật sự có đối với ai biết dừng lại mà không thật sự có đối với ai luôn mong ngóng tìm cầu, và trong một ý nghĩa thâm sâu nhất, ngay cả sự mong ngóng tìm cầu quả vị Phật cũng là một trở ngại cho hạnh phúc đích thực! Chỉ cần trở về bình thản nhìn lại nội tâm mình bạn sẽ lập tức có được thanh thản và an nhiên. Thanh thản và an nhiên khi nhìn thấy dòng sông tâm thức của mình có những đợt sóng lao xao nhấp nhô của hờn giận, của lo lắng, của sợ hại, của buồn phiền, của bất an, v.v, nhưng chúng cứ đến rồi đi mà không có một bản chất cố định chắc chắn nào hết (Đây là ý nghĩa đơn giản và sâu lắng nhất về "vô ngã"!). Tại sao ta lại phải lo sợ, phải băn khoăn, phải buồn phiền vì những cái không chắc thật đó?! Chính vì không nhận thức được trong ta có một vị Phật rất tự tại, rất sáng suốt, rất thanh thản, rất vững chãi, rất vui tươi nên ta mới mong ngóng tìm cầu những cái không chắc thật bên ngoài, và vì bản chấc của chúng là không chắc thật, nên chắc chắn chúng đã và sẽ tạo cho chúng ta không biết cơ man nào là phiền não khổ đau. Ngày xưa, sau khi Đại ngộ, đức Bổn Sư Thế Tôn cũng đã từng nhận định trong kinh Thánh Cầu: Ta tự mình bị sanh, sau khi biết rõ sự nguy hại của bị sanh, tìm cầu cái vô sanh, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn; và chứng được chúng; tự mình bị già... tìm cầu cái không già... tự mình bị bệnh... tìm cầu cái không bệnh... tự mình bị chết... tìm cầu cái bất tử... tự mình bị ô nhiễm... tìm cầu cái không ô nhiễm, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn và đã chứng được cái không ô nhiễm, vô thượng an ổn khỏi các khổ ách, Niết-bàn. Rồi tri và kiến khởi lên nơi Ngài: "Sự giải thoát của Ta không bị giao động. Nay là đời sống cuối cùng của Ta, không còn tái sanh nữa".

    Mỗi chúng ta cũng tự mình làm mình đau khổ vì chỉ chạy theo, tìm cầu, rồi chấp cho là thật những cái bị sanh, bị già, bị chết, không chắc thật ở bên ngoài và ngay ở bên trong thân tâm chúng ta.  Chúng ta đâu biết rằng trong thân tâm chúng ta vẫn có cái không sanh, không già, không chết, không tạo thành, không hữu vi. Cái đó kinh Phật thường gọi là Chân tâm, là Phật tánh, là Bản lai diện mục; cái mà Tổ Huệ Năng sau khi Đại ngộ đã thốt lên:

    Ðâu ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh,
    Ðâu ngờ tự tánh vốn chẳng sanh diệt,
    Ðâu ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ,
    Ðâu ngờ tự tánh vốn chẳng lay động,
    Ðâu ngờ tự tánh hay sanh vạn pháp!


    Đó cũng chính là chứng hiểu về Tịnh Độ và về Di Đà của Phật Hoàng Trần Nhân Tông:


    Tịnh độ là lòng trong sạch chớ còn ngờ hỏi đến Tây phương
    Di Đà là tính sáng soi mựa phải nhọc tìm về cực lạc

    Hay:

    Biết chân như, tin bát nhã, chớ còn tìm phật tổ tây đông
    Chứng thực tướng nên vô vi, nào nhọc hỏi kinh nam bắc.

    Đó cũng chính là Đức Phật trong Tâm hay Đức Phật trong nhà mà bài viết này nhắm đến hầu gợi nhắc mỗi người con Phật hãy trở về để an trú trong chân tâm thường tịnh an nhiên sẵn có nơi mỗi người. Có như vậy chúng ta mới không cô phụ bản hoài của Đức Thích Ca Thế Tôn là ra đời chỉ để "khai mở", "chỉ bày" và giúp chúng ta "ngộ nhập" được chân tâm Phật tánh ấy (Khai Thị Ngộ Nhập – kinh Pháp Hoa).

    Chư Phật hay chư vị thánh hiền Bồ tát không phải lúc nào các Ngài cũng hiện thân 32 tướng tốt và đầy đủ tám mươi vẻ đẹp, các ngài có thể hiện thân khắp nơi khắp chốn và trong bất kỳ hình tướng và chủng loại nào để tùy cơ duyên mà hóa độ chúng sanh. Có khi các Ngài là nam, có khi là nữ, có khi là trời, có khi là rồng, có khi là thần âm nhạc, có khi là trẻ thơ, v.v…[10]Các ngài cũng có thể là những tính giác và là đức từ bi sẵn có nơi mỗi người, các ngài có thể là sự tự tại, sự an nhiên nơi mỗi người tu tập đã đạt được pháp lạc, v.v…Với cái nhìn về Phật trong đời như thế, chúng ta sẽ luôn luôn tôn trọng tánh Phật nơi mỗi người và nhờ vậy chúng ta sẽ cải thiện được mọi quan hệ xã hội, giúp cho cuộc sống chúng ta ngày mỗi hài hòa và tươi vui hơn trong ý nghĩa mọi người đều sẽ là những vị Phật trong tương lai, sao ta lại có thể khinh thường, giận ghét hay chơi xấu những vị Phật tương lai đó? Và để đi tìm Phật, chúng ta không nhất thiết phải tìm cho được một đức Phật có hào quang rực rỡ, mà chúng ta có thể nhận thấy hiện thân của Phật khắp nơi, trong thân tâm ta và ngoài vũ trụ bao la, nơi những gì tưởng như bình thường nhất nhưng cao đẹp và gần gũi nhất. Hãy xem câu chuyện một người đi tìm Phật sau đây.

    Chuyện kể rằng có một thanh niên nghe nói Phật có 32 tướng tốt và 80 vẻ đẹp liền quyết tâm lên đường tìm cho được Phật mới thôi. Sau nhiều năm tháng lang thang khắp nơi và đến cả những nơi núi sâu rừng hiểm để tìm Phật chàng trai vẫn không tìm thấy Phật. Cuối cùng, chàng thanh niên gặp một cụ già râu tóc bạc phơ dáng vẻ hiền từ uy nghiêm, cốt cách siêu phàm, chàng bèn nói cho cụ già biết tâm nguyện của mình và hỏi cụ chỉ đường để chàng có thể tìm gặp Phật. Cụ già hỏi chẳng lẽ trên đường đi con chẳng gặp được vị Phật nào sao? Chàng trai trả lời là không gặp ai có thân tướng đoan nghiêm rực rỡ như kinh mô tả mà chàng chỉ gặp toàn hạng phàm phu tục tử thôi à. Cụ già dạy chàng thanh niên rằng đức Phật có thân tướng đoan nghiêm như kinh mô tả đã nhập Niết bàn rồi. Chàng thanh niên hỏi vậy thì Phật đã chết rồi sao. Cụ già trả lời là Phật bây giờ đang hiện thân khắp nơi, ngài cũng mang thân tồi và xấu như thân của chúng sanh vậy. Thấy lòng mong cầu tha thiết được gặp Phật của chàng thanh niên, cụ già liền mách nước rằng trên đường trở về nếu con gặp được ai mang dép trái ở chân phải và mang dép phải ở chân trái thì đó chính là Phật. Chàng trai lên đường trở về và cũng chú tâm tìm kiếm xem có người nào mang dép lộn ngược như vậy không nhưng chàng vẫn không gặp được người nào như vậy cả. Cuối cùng, quá mệt mỏi và chán nản chàng trai quay trở về nhà lúc trời đã khuya, gõ cửa và gọi mẹ ra mở cửa. Người mẹ già nghe tiếng con mình đã về, vội vả mang dép vào và hối hả chạy ra mở cửa mà không biết rằng mình đang mang dép lộn ngược, chiếc bên trái ở chân phải và chiếc bên phải ở chân trái. Chàng trai ôm chầm lấy người mẹ già tiều tụy và chợt nhận ra rằng mẹ chính là Phật mà cụ gia tiên tri đã mách bảo cho chàng.[11] Đồng cảm với ý nghĩa sâu sắc trong câu chuyện này, nhà thơ Thích Trí Cao đã sáng tác một bài thơ được phổ nhạc rất hay với tựa đề là Mẹ là Phật:

    Mẹ là Phật đại nguyện hóa thân
    Mẹ là hoa hoa đẹp tuyệt trần
    Mẹ là nước suối nguồn vô tận
    Cuộc đời Mẹ chỉ biết hiến dâng.

    Mùa Phật Đản đã lại về trong muôn triệu trái tim của Phật tử khắp năm châu bốn biển. Hình ảnh một vị Phật sơ sinh tôn kính đã ra đời vì "lợi ích cho chư thiên và loài người, vì hạnh phúc cho chư thiên và loài người" như kinh điển từng mô tả đã nói lên được tính cách vĩ đại và mục đích thiêng liêng của Đạo Phật trong cuộc đời. Quả thật đức Phật với giáo pháp thậm thâm vi diệu, chứa đầy tình thương và trí tuệ chỉ với một mục đích duy nhất là cứu khổ ban vui đã đem lại nguồn sống mới đích thực và hạnh phúc an lạc cao đẹp hiện thực cho biết bao con người và muôn loài trong thế gian có nhiều đau khổ lầm than vì si mê và tham sân của nhân loại. Có thể nói rằng không có khổ đau thì không có đạo Phật, ở đâu có khổ đau ở đó có đạo Phật, càng khổ đau con người càng hiểu rõ hơn giá trị của đạo giải thoát. Hiểu được Đức Phật hiện thân trong đời với đầy đủ thân tướng, hiểu được đức Phật không chỉ hiện thân với 32 tướng tốt mà còn biểu hiện khắp nơi khắp chốn với pháp thân màu nhiệm bao la, hiểu được tự tánh vốn sẵn tính Phật để trở về nương tựa an ổn và tu tập giải thoát làm biểu hiện Phật thân thanh tịnh vô nhiễm, chỉ như vậy thôi là chúng ta cũng đã làm một việc làm có ý nghĩa nhất để cúng dường đức Từ Phụ Bổn Sư Thích Ca nhân mùa Phật Đản Phật Lịch 2552 của Ngài.

    Hình ảnh Đức Thế Tôn ra đời dưới gốc cây Vô Ưu, thành đạo dưới gốc cây Bồ-đề, và nhập Niết-bàn dưới gốc cây Ta-la song thọ, là những hình ảnh rất đẹp đã nói lên tinh thần yêu thiên nhiên và tôn trọng sinh môi. Đây cũng là một điểm gợi nhắc nhân loại bây giờ hãy nên thức tỉnh, hãy tôn trọng môi trường sống của mình và giảm thiểu tối đa những chất thải, những khí đốt làm ô nhiễm môi trường, làm cho không gian sống của chúng ta ngày càng ngộp thở, làm cho nhiệt độ trái đất và khí quyển đang nóng dần lên, gây ra thiên tai lũ lụt và biết bao căn bịnh nguy hiểm cho thời đại của chúng ta và cho tất cả thế hệ tương lai của nhân loại và của muôn loài chúng sanh trên thế gian này. Người nào càng yêu thiên nhiên thì người đó càng gần với đạo, người nào càng tôn trọng mọi người và mọi loài kể cả môi trường và cỏ cây thì người đó càng hiểu sâu hơn ý nghĩa Phật thân biểu hiện khắp nơi và pháp giới tính bình đẳng duyên khởi của đạo Phật và do đó sẽ sống hạnh phúc, an lạc và hài hòa hơn với mọi người và với muôn loài.

    Thành Tâm Đảnh Lễ Vườn Lâm Tỳ Ni Dưới Cây Vô Ưu Thị Hiện Đản Sanh Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

     

    Thích Nhật Châu