Mỗi chúng ta ai cũng muốn có hạnh phúc, không chỉ trong mỗi phút giây của đời sống mà chúng ta còn mong muốn đó là niềm hạnh phúc chân thực, không đổi thay và tồn tại mãi mãi.
Mỗi người chúng ta đều cố gắng tránh mọi rắc rối và tìm kiếm bình an bất kể tôn giáo, nền văn hoá, triết lý sống hay ngôn ngữ mà chúng ta sử dụng; tất cả mọi người đều mong ước được hạnh phúc.
Thực vậy, mỗi sinh vật sống trên trái đất đều có mong muốn căn bản là thụ hưởng hạnh phúc và tránh khổ đau.
Nhưng thường thì những nỗ lực tìm kiếm hạnh phúc của chúng ta đều khiến chúng ta thêm đau khổ.
Chúng ta cần hiểu rõ tiềm năng của tâm và tầm quan trọng của lòng từ bi (từ tâm) đối với hạnh phúc của chính mình và của thế giới. Chúng ta cần hiểu cách chuyển hoá những công việc hàng ngày của mình để biến nó thành nguyên nhân khởi tạo hạnh phúc hơn là gây ra rắc rối, khổ đau, bây giờ và trong tương lai.
Chúng ta cũng cần học cách làm sao chuyển hoá từng kinh nghiệm của cuộc sống – như sức khoẻ và bệnh tật, giàu có và nghèo khổ, sống và chết – thành hạnh phúc.
Thiền là cách hữu dụng nhất chúng ta có thể sử dụng để đạt được điều đó. Thông qua sức mạnh của thiền, chúng ta có thể tìm thấy niềm an lạc và hạnh phúc vĩnh cửu và quan trọng hơn, chúng ta có thể mang hoà bình và an lạc tới cho những người khác.
Gieo ý nghĩ rằng mọi người mà bạn gặp – dù trong bất cứ hoàn cảnh nào – đang góp phần hoàn thiện những ước mơ của bạn. Đây là cánh cửa dẫn tới niềm hạnh phúc thực sự. Mặt trời của an lạc sẽ toả sáng trong cuộc sống của bạn chỉ khi bạn bắt đầu biết trân quý người khác.
Khổ đau hay sự vắng mặt của khổ đau không tới từ bên ngoài. Khổ đau và sự vắng mặt của khổ đau cũng như an lành và hạnh phúc chỉ đến từ trong tâm của bạn.
Chỉ có Tâm mới có đầy đủ tiềm năng để chặn đứng những khổ đau do chính nó gây nên.
Tất nhiên chính tâm thức đã mang đến khổ đau thì không thể hoá giải được khổ đau nhưng một tâm thức khác - một suy nghĩ khác, một thái độ khác có thể ngăn chặn mọi khổ đau mang đến hạnh phúc và an lạc.
Bạn không thể cấy ghép tâm của Phật hay của các bậc Thánh nhân vào trong bạn. Hạnh phúc, an lành và sự hài lòng phải đến từ chính tâm trí của bạn.
Ngay khi chúng ta tin rằng hạnh phúc phải đến từ bên ngoài, từ những người khác hoặc từ tác động của môi trường, chúng ta sẽ luôn đổ lỗi cho ngoại cảnh mỗi khi chúng ta gặp rắc rối.
Ví dụ, rất nhiều người nghĩ rằng vấn đề của họ là do bố mẹ. Họ nói: “Tôi như thế này do bố mẹ tôi. Bố mẹ tôi phải chịu trách nhiệm.” Hiểu theo một cách nào đó, nền văn hoá Phương Tây dạy trẻ em cách đổ lỗi cho bố mẹ vì những vấn đề chúng gặp phải hơn là nhấn mạnh vào việc bố mẹ đã thật tốt khi sinh thành và nuôi dạy con cái nên người.
Nhưng hạnh phúc thực sự chẳng liên quan tới những gì đã xảy ra trong quá khứ, với lịch sử của chúng ta, hay cách chúng ta được giáo dục từ thơ bé. Hạnh phúc thực sự chỉ đến khi chúng ta giải phòng chính mình khỏi sự bất mãn của những ước vọng và khao khát.
Sự hài lòng chỉ đến khi chúng ta cho chính mình quyền tự do thoát khỏi tâm trí tham dục đầy đau khổ.
Khổ đau làm thanh tịnh các nghiệp chướng.
Niềm hạnh phúc do những cải thiện vật chất là giả tạo, đó chỉ là những phút giây thích thú bên ngoài – như một ánh đèn nháy sáng thoáng qua trong đêm tối. Niềm an lạc thực sự, niềm hạnh phúc mãi mãi đến từ sâu thẳm trong trái tim mỗi người.
Hãy từ bỏ những niềm hạnh phúc giả tạo thường gây thêm đau khổ, hãy trân quý những phúc lạc đích thực mà chúng ta có thể tìm thấy từ những khổ đau.
Lama Zora Rinpoche
Theo: Sách “Hạnh phúc chân thực” - NXB Phương Đông