Suy Ngẫm

  • Để có một mùa Xuân

    Niềm an vui chỉ có khi tâm chúng ta chấm dứt phiền não khổ đau. Mùa Xuân chỉ đến khi băng giá tiết đông không còn nữa. Tâm xuân chính là một mùa xuân miên viễn an vui, vì không còn bóng dáng khách trần phiền não nhiễu loạn tâm ta. Vì thế để có một mùa xuân đúng nghĩa, không gì hơn là chúng ta dẹp sạch hết những mầm mống gây đau khổ cho mình, cho người. Muốn thế, chỉ có một con đường duy nhất, đó là tu tập để tịnh hóa thân tâm mà thôi.

     

     

    Đức Phật từng bảo chúng sanh mỗi người mỗi nghiệp, mỗi người mỗi tật, không ai giống ai cả. Ngay đến người thân ruột thịt trong gia đình cũng mỗi người mỗi nghiệp, không ai giống ai. Theo nghiệp tập của mình mà sống mà hành động, Phật nói chúng sanh sống theo tập quán là thế. Người tu rõ biết tập quán của mình, khéo áp dụng đạo lý để chuyển hóa, tiêu trừ những nghiệp tập ấy. Chúng ta tu là tu cho mình chớ không phải tu cho ai, nên không thể trông cậy vào người khác. Đó là chỗ chúng ta phải nhận định thật kỹ để sắp xếp việc tu hành cho thích hợp. Làm sao mỗi ngày, mỗi giờ qua đều hóa giải các tập nghiệp mòn sạch hết, như vậy mới có lợi lạc an vui thiết thực.

    Người Phật tử khi đã quyết tâm tu, trước phải có đức tự tín, không nên băn khoăn. Tại sao? Vì trong lòng băn khoăn thì việc làm sẽ không tới nơi, vì vậy người tu phải cương quyết. Đức tự tín của người tu, không có nghĩa là tự kiêu, tự đại. Tự tín ở đây tức là tin chắc mình là Phật và mình tu sẽ thành Phật. Tin một cách khẳng định như vậy, nhất định việc tu sẽ tiến. Có thành tựu đức tự tín viên mãn, công phu tu của chúng ta mới thành công được.

    Chúng ta đã biết mọi thứ vẽ vời trên cuộc đời này đều từ cái tâm vọng tưởng đảo điên mà ra. Tâm ấy không phải là tâm chân thật của mình. Cũng từ cái tâm không chân thật này, nhiều đời kiếp rồi chúng ta bị trôi giạt trong luân hồi sanh tử. Do đó ngày nay gặp Phật pháp, được chỉ phương pháp tu hành, chúng ta đừng lầm nó nữa, đừng tin cái tâm không chân thật ấy nữa. Phải khẳng định tâm thể thanh tịnh chân thật của mình, không sanh không diệt. Muốn thế, phải cố gắng buông bỏ hết vọng tưởng, để tâm chân thật hiện bày.

    Đức Phật đã từng nhắc nhở chúng ta, cái tâm chân thật ấy vốn viên mãn, vốn luôn sẵn có bên mình, không phải ở đâu xa. Nhưng nếu chúng ta phóng tâm theo ngoại cảnh, lăng xăng bỏ quên mình thì coi như nó không có vậy. Nói không có tức là có mà cũng như không, chớ thật ra cái tâm ấy chưa từng vắng thiếu bao giờ. Bây giờ chúng ta tin khẳng định tâm chân thật của mình luôn hiện hữu, nếu ta bỏ được tất cả mọi thứ bóng dáng không thật đi. Dứt khoát như vậy thì mới tu và sống được với tâm chân thật, tâm thuần phác thanh tịnh sáng suốt trùm khắp của chính mình. Đó là những việc người tu phải làm và làm đến nơi đến chốn.

    Sống được với tâm thể của mình rồi thì tất cả những lăng xăng rối rắm chung quanh sẽ không làm gì được ta. Muốn thế phải tin mình có khả năng thành Phật. Dù bây giờ chúng ta vẫn còn lang thang trong kiếp sống phiêu linh lãng tử, trôi giạt mãi theo tâm viên ý mã, nhưng chủng tử Phật vẫn chưa hề mất bao giờ cả. Nhận định rõ như vậy, từ đây về sau chúng ta có được niềm tin vững mạnh, thì việc tu hành mới đạt kết quả tốt. Nhất định chúng ta phải tin tâm mình là Phật, sống lại với tâm đó, tất cả những gì chung quanh buông bỏ hết. Như vậy mới an ổn được.

    Có ai tu mà không muốn an ổn đâu? Người xuất gia tu vì muốn vào Niết-bàn. Phật tử tại gia đi chùa, tin kính Tam bảo để được phước, để không gặp những chuyện bất như ý hoặc trắc trở trong gia đình, trong cuộc sống. Những điều đó không phải sai, chỉ có điều chúng ta làm không đúng nên kết quả cũng không đúng. Như tôi đã nói, phải tin tâm mình, tin vào khả năng thành Phật của chính mình. Muốn làm Phật thì phải làm việc Phật, có bao giờ muốn thành Phật mà lại làm việc ma đâu? Thuần sống với Phật chất, nhận lại con người thực nơi chính mình, làm đúng như vậy thì nhất định người đó đạt được kết quả an ổn.

    Thành ra người tu phải có niềm tin sắt đá, vững như núi vậy. Tại sao phải thế? Vì với bao nhiêu hình ảnh của cuộc đời, chỉ cần chúng ta hoa mắt một chút là lầm ngay và sẽ lầm dài dài. Phật tử tại gia lầm và luôn cả những người xuất gia như chúng tôi đôi khi cũng lầm. Lầm cái gì? Cái vọng tưởng điên đảo, nó vẽ vời rồi dẫn mình đi từ đời này sang kiếp nọ, ít khi nào dừng lại được. Quí vị thử nghiệm trong một giờ, nói một giờ hãy còn dài quá, chỉ mười phút thôi, ta ngồi lại nghiệm xem sẽ thấy vọng tưởng có sức lôi dẫn mạnh mẽ như thế nào. Nó giỏi giắn tế nhị phi thường, dẫn mình chạy hết đông sang tây, hết việc này tới việc nọ, hết con đến cháu, dẫn suốt ngày đêm, luôn cả trong chiêm bao mà ta vẫn chạy theo vô điều kiện. Thế nên từ nhiều đời chúng sanh trôi lăn trong biển khổ sanh tử là vì vậy.

    Tuy nhiên trong nhà thiền dạy, dù vọng tưởng lẫy lừng thế ấy, song nếu chúng ta biết vọng tưởng, bỏ đi thì nó không dẫn mình được nữa. Chỉ chút xíu vậy thôi, gọi là tu. Muốn làm được việc đó chúng ta phải có cái gốc, dứt khoát tin chắc cái gốc như thế. Ví như những nhà kinh doanh, họ dám đầu tư bạc triệu vào công việc làm ăn, vì biết rõ mình có một số vốn lớn như thế nào đó, mới dám đưa tiền ra nhiều chứ. Nếu không có vốn liếng, không có phương thức, không có một tài trợ nào khác mà nói đầu tư làm ăn, chỉ là nói cho vui với thiên hạ chơi thôi. Cũng thế, chúng ta không tin vào khả năng thành tựu thánh vị của mình, không tin vào tâm thể thanh tịnh vốn có của mình, không mạnh mẽ buông hết tất cả những điên đảo loạn tưởng thì không bao giờ sống lại được với tâm thể chân thật ấy. Người như thế dù nói tu đến đâu cũng không được an ổn, nói gì vào Niết-bàn?

    Tam tổ Tăng Xán trong bài “Tín Tâm Minh” đã dạy rất rõ về việc tin tâm mình, tức tin vào tâm chân thật không hai của chúng ta. Ai tin được tâm đó thì hiện tiền sống Phật, làm việc Phật, hít thở Phật, cái gì cũng Phật hết. Từng bước đi nở hoa sen, ở đâu cũng là cõi tịnh lạc, lúc nào cũng thấy một trời xuân tươi thắm. Ngày xưa Thiền sư Linh Hựu khi được Sư phụ đưa về ở núi Quy, Ngài thấy chung quanh hoang dã, là hang động của cọp beo rắn rít rất dễ sợ, mọi người chẳng ai dám lai vãng đến đây. Nghĩ rằng cứ ở như vậy tu sẽ không làm lợi ích nhiều, nên một hôm Ngài đi lần xuống núi, với tâm cả quyết Ngài nói rằng: “Nếu ta có duyên với nơi này thì xin các loài thú dữ hãy nhường chỗ cho lão tăng mở đạo tràng, tiếp độ tứ chúng. Nếu không đủ duyên hoằng pháp lợi sinh thì ta sẽ chống gậy đi nơi khác”. Nói xong, cọp beo rắn độc v.v… thảy đều biến mất hết. Từ đó Ngài trở thành Tổ của núi Quy, dưới hội lúc nào cũng có trên dưới cả 1500 chúng đến tham học. Đó là do tâm cả quyết mà thành tựu được vậy. Nếu buổi đầu tổ Quy Sơn nhút nhát, sợ chết, sợ cọp sợ beo, không tin chắc vào tâm chân thật của mình, nhất định không làm được việc ấy. Người tu phải có lòng tin mãnh liệt mới làm được việc lớn.

    Chúng ta trước nhất phải tự tin tâm mình, tự tin tâm rồi thì hoàn cảnh chung quanh sẽ quy thuận theo tâm chân thật ấy. Ngược lại, tâm ta không thanh tịnh, ngược xuôi vọng động thì bị các pháp, các cảnh chung quanh xoay chuyển, chúng cuốn hút khiến ta mất mình mà không tự hay biết. Người không làm chủ được, dù nói tu hành thế nào nhưng vẫn bị cảnh duyên bên ngoài kéo lôi, không thể có kết quả như sở nguyện được. Điều này chúng ta phải suy nghĩ và có định hướng cho mình thật dứt khoát rõ ràng trong sự tu học.

    Ngày xưa có tổ Quy Sơn như thế, chẳng lẽ bây giờ lại không có tổ Quy Sơn sao? Có chứ. Người thời nay cũng có thể làm được những việc như người xưa, bởi vì những việc đó không phải chỉ để dành cho người xưa. Điều quan trọng là chúng ta phải tỉnh, phải quyết tâm quay về sống với mình và tin chắc vào khả năng thành Phật của chính mình. Người con Phật là người can đảm, không ỷ lại, không trông cậy vào những thế lực ngoài mình. Nếu nương tựa bên ngoài, qua một thời gian nào đó chúng ta sẽ bị mất mình. Vì những gì bên ngoài là của bên ngoài, nó không phải là cái của mình. Người tu phải nhận và sống lại với cái của mình, cái bên ngoài chỉ là ngoại duyên trợ giúp chúng ta thôi. Trong kinh chư Phật tổ thường nói chúng sanh bỏ quên hạt ngọc của mình, tự quay lưng với mình nên bị mất mình. Mất mình là như vậy, là mất đi tự tính sáng suốt, chớ không phải mất thân mạng này. Cho nên quan trọng là phải phát huy cái chân thật, cái sẵn có của chính mình bằng niềm tự tin nơi ta. Đó là điều thứ nhất.

    Điều thứ hai chúng tôi muốn nói là tinh thần quả cảm của người tu. Quả cảm tức là cương quyết. Người tu phải cương quyết, dứt khoát làm việc gì thì nhất định làm cho tới nơi. Như vậy việc làm mới có kết quả. Nếu chúng ta làm một việc gì không đúng, không sâu sắc, không khẳng định đường lối chủ trương của mình thì e rằng kết quả không như ý muốn. Ví dụ như Phật tử tu thiền, tới giờ ngồi thiền quí vị vẫn ngồi nhưng chưa tin hiện tại mình được an lạc thì đảm bảo tương lai cũng không thể an lạc. Dù quí vị có ngồi thiền bao nhiêu, tâm cứ lăng xăng những nghĩ tưởng bâng quơ thì không thể nào an ổn được.

    Người tu phải có tinh thần quả cảm quyết liệt mới chiến thắng được những nghiệp tập của mình. Phật dạy “Tự chiến thắng mình là chiến công oanh liệt nhất”, ngày xưa nghe câu này mình tin không nổi. Tại sao tự thắng mình là chiến công oanh liệt hơn chiến thắng trăm ngàn quân? Bây giờ ngồi lại tu chúng ta mới thấy giá trị của câu nói này. Quả thực là như vậy. Nếu chúng ta không tỉnh, không quả cảm, không quyết liệt sẽ không chiến thắng được những trận giặc lăng xăng trong lòng mình, những phiền não loạn tưởng, những nghiệp tập sâu dày tăm tối từ bao đời. Chúng ta không đủ sức chiến thắng nó, đã không đủ sức chiến thắng nó thì nó kéo sểnh mình đi mãi thôi, không dừng được. Chỉ khi nào ta có đủ sức mạnh bên trong mới có thể chiến thắng được giặc phiền não. Sức mạnh đó là lòng quả cảm, gan dạ phi thường. Cho nên nói “Đức tự tín khiến con người mạnh dạn gan dạ trong mọi công tác lợi mình lợi người”.

    Bởi vì nghiệp tập của chúng ta có từ nhiều đời kiếp rồi nên nó có sức mạnh lắm. Nó kéo lôi, ve vuốt làm mình phải nhẹ dạ nghe theo, trôi theo nghiệp rồi tạo thêm nghiệp mới và cuối cùng là chuốc quả khổ. Người biết tu phải gan một chút, nhìn lại thấy rõ bộ mặt thực của tất cả những cái ve vuốt, dẫn dắt của nghiệp thì dứt khoát cắt đứt, chặt thẳng, không liên hệ nữa. Phải gan dạ, quả cảm như vậy mới tu được.

    Chúng ta đừng sợ những việc nghe mạnh mẽ như thế khó làm, có khi thấy khó nhưng mà dễ làm. Quí vị còn nhớ trong chuyện Phong Thần, có ông tướng nào không đấu phép đâu. Tướng dở dở quê quê khi xuất trận cũng có một vài bửu bối, họ đánh nhau toàn là bằng bửu bối không. Khương Tử Nha là người lãnh đạo cuộc chiến, ông cũng có bửu bối. Ông cỡi con vật gọi là tứ bất tướng, nghĩa là trong bốn loại thú nó không giống loại nào hết. Sau một trận chiến tranh dài không biết bao nhiêu chết chóc, đối phương chỉ còn lại một người thôi. Đó là Đắc Kỷ, không ai giết được cô. Một lời than của cô tất cả trang dũng tướng đều rụng rời hết. Bấy giờ vị đại tướng quân có mặt trong trận chiến bằng phép thuật ghê gớm đó là Dương Tiễn, cháu của Ngọc Hoàng Thượng Đế. Ông này là người mang lệnh của Thượng Đế xuống để sắp đặt mọi việc. Dương Tiễn xách gươm ra hành quyết Đắc Kỷ, nhưng khi nghe một tiếng than của cô ông cũng không giở gươm lên nổi. Thế là bao nhiêu tướng tá già trẻ, những người giỏi nhất trong bộ tham mưu của Khương Tử Nha đều không giết được Đắc Kỷ. Trong khi Đắc Kỷ chỉ là một người con gái không còn gì nữa, cả triều đình Trụ Vương đều tan rã hết. Một người con gái không có vũ khí, không có binh lực, mà không anh hùng nào giết được. Cuối cùng ai làm được việc này? Đó là tiên nhân Tán Tiên Lục Yểm, ông thường hay lang thang khắp nơi. Bằng bửu bối là cái kéo, ông niệm thần chú, cái kéo từ trong hồ lô bay ra cắt cổ Đắc Kỷ. Bởi cái kéo nó không yếu đuối, không có cái gọi là gì gì hết, nên nó bay tới đâu thì cắt được tới đó.

    Cũng thế, người tu đối với vọng tưởng phải như cái kéo của tiên nhân Tán Tiên Lục Yểm. Chúng ta cần quyết định dứt khoát, không bên này bên kia, không tình cảm gì gì hết, sáng suốt minh bạch giống như cái kéo kia, mới mong chiến thắng được vọng tưởng. Chúng ta bình thường luôn chạy theo vọng tưởng, khởi lên niệm nào liền theo đó phân biệt đẹp xấu hay dở rồi sanh thương ghét đủ thứ. Cuối cùng bị cái thương ghét ấy kéo lôi và mất mình. Người tu không phải không có tình cảm, nhưng tình cảm theo thế gian thì không nên, mà tình cảm như Phật dạy là lòng đại bi không bờ bến. Chúng ta thương mọi người mọi loài chưa thực hiện được sự giác ngộ giải thoát, sống chìm đắm trong vô minh, chớ không phải tình thương thông thường của thế gian. Trong đạo, tình thương không có giới hạn, không có biên cương. Người tu thấy chúng sanh đang khổ, khởi lòng thương muốn làm sao dẫn dắt cho họ vươn lên để hết khổ.

    Trong lúc công phu, chúng ta áp dụng lời Phật dạy, điều phục và chiến thắng những vọng tưởng, sống được với tâm trong sáng bình yên, không vướng kẹt vào đâu hết, như thế sẽ mau thành Phật lắm. Nếu ai sống thật với tâm chân thật của chính mình thì lúc ngồi là Phật ngồi, nằm là Phật nằm, sống là Phật sống, hít thở là Phật thở hít, làm bất cứ việc gì cũng đều là Phật sự. Trái lại trong tâm chồng chất điên đảo vọng tưởng, loay hoay lẩn quẩn với nó mãi, nghiệp tập ngày càng dày, phiền não ngày càng nhiều thì làm sao an vui được.

    Người nào mình thương, việc gì mình chiếu cố nhiều nhất thì mình lo lắng nhất. Càng lo lắng nhiều thì càng vướng mắc phiền não nhiều. Mà phiền não là gì? Phiền não là gốc của luân hồi sinh tử, gốc của khổ đau. Cho nên người tu phải khắc trừ những thứ đó, phải hết phiền não mới thành Phật được. Còn phiền não, còn những bất ổn trong lòng thì việc làm của mình sẽ nhạt nhẽo, không tích cực nên kết quả cũng không tốt.

    Chúng ta làm bất cứ việc gì bằng tâm chân thật, nhất định sẽ dẫn đến kết quả tốt đẹp. Bước đi của Phật, Bồ-tát có hoa sen nở, để nói lên sự thanh thản, giải thoát, tươi đẹp của những bậc đã giác ngộ giải thoát. Nếu chúng ta không vướng bên này, không mắc bên kia, không đầu tư lời lỗ gì cả thì có thể từng bước đi của mình cũng có hoa sen đỡ dưới chân. Ngược lại, nếu bước đi mà canh cánh trong lòng, nào là việc hơn việc thua, thương giận v.v… thì chẳng những hoa sen đỡ không nổi, mà mình bước tới đâu quả địa cầu này rung rinh sắp sụp tới đó. Bởi vì nó nặng nề quá, tăm tối phiền não chồng chất trong tay nải của mình, thành ra không có cái gì đỡ nổi những bước chân như thế.

    Muốn ung dung tự tại trước mọi cảnh duyên chung quanh, luôn cả những nguy hiểm trước mắt, chúng ta phải có đức quả cảm. Điều này nói thì dễ dàng, nhưng làm không phải dễ. Trong đời sống, trong việc làm, trong ngôn ngữ, nếu chúng ta không vững vàng, trong lòng bất ổn thì sẽ vướng mắc ngay. Nếu là người tu chân thật chúng ta nên tự xét lại mình để rồi dứt khoát, cái nào ra cái nấy, như vậy thì mới an lạc. Thật ra cảnh duyên bên ngoài không tự nói sẽ làm khó chúng ta đâu, không có ngọn núi nào nói sẽ cản trở người leo núi cả. Các pháp là các pháp thôi. Nhưng vì chúng ta yếu đuối, vọng tưởng đảo điên nên khi nghe trình bày một vấn đề gì, thấy một hiện tượng gì, chứng kiến một cảnh gì, trong lòng mình bâng khuâng, không dứt khoát. Bây giờ chúng ta cần phải quả cảm lên, nhận định cho sâu sắc để dẹp phắt những thứ không cần thiết ấy đi thì mới yên được.

    Người lúc nào cũng canh cánh trong lòng ăn không ngon, ngủ không được, đi lững thững lờ thờ nhất định không sớm thì muộn cũng phát bệnh thôi. Bệnh bao tử rồi bệnh gan v.v… đủ thứ bệnh, từ đó sanh tâm bệnh nữa. Tâm bệnh tức là phiền não, phiền não thì không có Bồ-đề. Phật dạy phiền não tức là Bồ-đề nhưng chúng ta không nhận được tánh thực của phiền não là Bồ-đề, không thức tỉnh được phiền não không thật nên ta chỉ nếm được mùi vị của Bồ-đề gai, chớ không phải Bồ-đề thật.

    Bao giờ bằng Phật mới vừa lòng con. Tu học làm sao bằng Phật mới vừa lòng mình, chớ không phải tu lên Thượng tọa, Đại đức hoặc Hòa thượng, có cái chùa đẹp đẹp được rồi. Không phải. Phật tử lâu lâu đi nghe giảng, đọc kinh sách, thấy vậy rồi hài lòng cũng không đúng. Nguyện tu học Đại thừa là bao giờ bằng Phật mới thôi. Ước mơ của người con Phật chính là như vậy, không ước mơ điều gì khác. Mà Phật là gì? Là giải thoát, là thanh tịnh, là an lạc. Chúng ta làm sao giải thoát, an lạc, thanh tịnh tức là bằng Phật. Thấy như tu dễ, nhưng mà thật là trần ai, tu hoài không xong.

    Vì vậy trong bài sám mười điều nguyện, chúng ta phải phát lời nguyện như vầy: Chín thề chẳng dám mỏi mòn, Dắt dìu muôn loại đều tròn pháp thân. Dù hiện tại gặp bất cứ trở lực nào cũng nguyện không mỏi mòn, không lui sụt, dắt dìu muôn loại đều tròn Pháp thân. Pháp thân cũng là Phật. Nghĩa là dìu dắt hướng dẫn mọi người một cách đúng với tinh thần Phật pháp, để muôn loài đều sống được với Pháp thân thanh tịnh, sáng suốt, trùm khắp của mình. Phật sự như vậy mới đúng theo tinh thần Phật dạy.

    Điều nguyện thứ mười:

                        Mười đem tất cả công huân,
                        Mọi loài cùng hưởng, khắp trần cùng vui.

    Mười điều nguyện này, đọc lên chúng ta thấy cảm xúc lạ thường, đồng thời cũng tự hổ thẹn nữa. Mình tu không biết bao lâu, mong ước thì nhiều lắm nhưng không đúng với tinh thần Phật dạy cho mấy, nên kết quả không được bao nhiêu. Điều nguyện thứ mười nói đem tất cả công huân, tức tất cả công đức lành mình tu được, hồi hướng hết cho chúng sanh đều được thấm nhuần, đều được lợi lạc. Không muốn chúng sanh sống trái lại với tinh thần Phật dạy, chỉ muốn tất cả đều được thấm nhuần Phật pháp, phát huy tinh thần đó để cùng nhau chung hưởng an lạc giải thoát. Chúng tôi muốn nêu lên những điểm này, để tất cả chúng ta ý thức và bắt đầu xây dựng lại cuộc sống đạo vững chắc tốt đẹp hơn. Như tôi đã nói, hít thở Phật, đi đứng Phật, ngồi nằm Phật, không có việc gì khác chen vô. Chúng ta đem tinh thần ấy trang trải đến mọi loài, làm sao cho tất cả đều được huân tập, đều phát triển đến thành tựu viên mãn.

    Một điểm không thể thiếu nữa của người tu là đức cần cù nhẫn nại. Cần cù là gì? Là bền chí. Chúng ta có bền chí chưa? Nghiệm cho cùng, dường như ta có chí mà chưa bền lắm. Vì vậy lâu lâu nghe ai nói tu cách nào hay hơn thì ta liền bỏ con đường mình đang đi. Như vậy đối với chánh lý Phật pháp, chúng ta chưa có gan, chưa nhẫn nại thực hành tới nơi tới chốn, nên thấy cái gì hay hoặc người ta nói điều chi lạ mình dễ tin, dễ chạy theo.

    Người tu không thể thiếu bền chí, có bền chí mới vượt qua mọi khó khăn trở ngại. Dù phải trải dài kiếp số bao lâu, dứt khoát chúng ta cũng giữ vững con đường tu như thế, gan dạ vậy đó mới có kết quả như ý. Đủ ba đức như trên đã trình bày thì không có khó khăn nào chúng ta không thực hiện được. Chư Phật, Bồ-tát cũng từ các đức này mà trải qua kiếp số nhiều vô lượng, thành tựu được đạo giác ngộ giải thoát viên mãn.

    Tôi nhớ một câu chuyện xảy ra giữa hai thầy trò Thánh đệ tử của đức Phật như thế này. Hôm đó trên đường đi, người đệ tử theo sau chân vị thầy đã chứng A-la-hán, ông suy nghĩ như vầy: Phật pháp cao cả quí báu, công đức sâu dày, là người tu không thể dung dị bình thường mà có thể chứng đạt được những công đức đó. Ông nhớ lại gương hạnh của chư vị Bồ-tát, trải dài nhiều kiếp số chẻ xương làm bút, lấy máu tủy làm mực để ghi chép kinh, cúng dường ủng hộ, làm những việc công đức không sờn lòng, đến ngày thành Phật cũng chưa bỏ những công đức đó. Hôm nay mình xuất gia tu hành, không thể căn cứ vào một vài công đức nho nhỏ, khổ hạnh sơ sơ mà có thể thành tựu được Phật quả. Nghĩ vậy nên ông phát tâm hướng đến những công đức lành lớn lao. Liền khi ấy, tâm ông rỗng rang sáng suốt, không còn hạn cuộc nào. Bấy giờ vị thầy bảo “Ngươi hãy đưa gói hành lý cho ta và đi trước ta đi!” Nghĩa là vị thầy cho đệ tử đi trước, còn mình quảy gói cho đệ tử.

    Sau đó người đệ tử lại nghĩ: “Đây là những việc làm có công đức lớn lao, hạng căn khí Đại thừa bén nhạy mới có thể thực hiện viên mãn được. Mình là hạng tầm thường làm sao bì nổi với các bậc kia, mong chi mơ ước thành Phật thành Tổ? Chỉ làm sao được chút an ổn, đừng bị lầm, đừng bị ma quỷ dẫn dắt cũng là hạnh phúc lắm rồi”. Vừa thoái tâm suy nghĩ như vậy, vị thầy liền đuổi nói: “Ông đi ra sau quảy gói đi!” Hai ba lần như vậy.

    Chú đệ tử mới lấy làm lạ: Ủa! Sao hôm nay thầy mình hồi thì kêu mình đi đằng trước, biểu đưa cái gói cho thầy quải. Hồi thầy đẩy mình ra sau, biểu mình phải quảy gói cho thầy? Cuối cùng chú thưa:

    - Sao hôm nay giữa con với thầy, giữa thầy với con lại có những sự việc như thế?

    Vị thầy nói:

    - Ta biết trong lòng của ngươi có khi phát tâm Đại thừa, phát tâm Bồ-tát lớn lao. Có khi ngươi lại thoái thất, sợ sệt yếu đuối, không đủ gan dạ tu tiến. Những lúc ngươi phát tâm đại thừa quyết tiến theo con đường thành Phật thì ta mời ngươi đi trước, ta tôn trọng công đức đó nên ta quảy gói cho ngươi, vì ngươi đang phát tâm thành Phật mà. Ta để ngươi đi trước, ta đi sau làm thị giả ngươi. Nhưng ngươi làm Phật không xong, vừa phát tâm lại nghĩ ngợi lui sụt lùi, do đó ta đẩy ngươi ra sau làm thị giả cho ta.

    Nghe thầy giải thích như vậy, người đệ tử mới nhận được thì ra phát tâm Đại thừa cao quý như vậy! Phát tâm tu hành cần phải gan dạ và quả quyết, nhất định ngay trong đời này sáng được việc của mình, thành tựu Phật vị cao quí là điều đáng tôn trọng nhất. Bấy giờ người đệ tử mới bạch với thầy:

    - Từ đây về sau, trải qua kiếp số vô lượng vô biên mãi mãi con phát tâm Bồ-đề, nguyện tu hành thành Phật. Dù phải trải qua những cam go, gian khổ con nguyện không sờn lòng. Nhất quyết nương vào uy lực Bát-nhã, tu là chỉ tu như thế, thành là chỉ thành Phật, không mong cầu, không sợ sệt, không thoái lui như thời gian đã qua nữa.

    Người xưa thường có những phương tiện hay để phấn phát kẻ học đạo dễ thành tựu. Chúng ta bây giờ cũng có phương tiện, nhưng chưa thành công vì sự phấn phát của chúng ta chỉ mang tính cách nhất thời, chưa quyết liệt. Nếu thành công thì thành công ấy cũng tạm thời, chớ không phải thành công rốt ráo. Bước chân của chúng ta còn nhiều trơn trợt, do không vững nên ta thường sa hầm sụp hố. Đó là những điểm yếu của người tu trong thời nay.

    Người con Phật đặc biệt những người tu thiền, phải biết những điều này để cố gắng khắc phục, làm sao trong từng bước đi, từng hơi thở, từng sinh hoạt, cuộc sống của mình là Phật hết, không có gì trái lại với tánh giác. Đừng nên làm việc gì, nghĩ điều gì, nói lời gì trái lại với tánh giác. Luôn luôn phát huy, bảo dưỡng thật tốt tính giác của mình, đó là gốc của sự tu. Dù được khen hay bị chê, thất bại hay thành công, chúng ta cũng không quan tâm, việc duy nhất của mình chỉ là phát huy tính giác, sống và sống trọn vẹn với tánh giác ấy, không có các việc khác. Như vậy chúng ta mới tu đúng theo tinh thần Thiền tông của đạo Phật.

    Khi nào chúng ta sáng suốt, làm chủ được mình thì tất cả ngoại duyên bên ngoài ta đều sử dụng đúng với tinh thần đạo lý. Trái lại tâm không sáng, chí không vững, chúng ta sẽ bị những thứ ấy xoay chuyển và rồi mình lại ngược xuôi theo chúng. Cả đời loay hoay lẩn quẩn, cuối cùng chuốc lấy khổ đau, làm gì cũng vướng mắc hết. Đó là hiện thực mà người tu phải biết và phải sắp xếp sao cho việc tu hành của mình tiến được.

    Chúng ta phải tu làm sao? Đây là một vấn đề. Phật tổ thường dạy muốn việc tu không sai lạc, trước chúng ta cần phải nhận cho được tánh giác của mình. Mà tánh giác là gì? Giác tức là biết, biết một cách sáng suốt. Nhận và sống được với tánh giác là hoàn thành công phu tu. Đây là việc làm chính của người tu chúng ta. Phát huy được tánh giác rồi, việc tu nhẹ nhàng lắm. Việc tu nhẹ mà kết quả lại nhiều. Cho nên Lục Tổ bảo trước cần phải kiến tánh rồi sau mới khởi tu.

     Phật tâm của mình, ai cũng có nhưng vì mãi chạy theo bên ngoài nên chúng ta quên mất nó thôi. Như bây giờ nghe ai chửi mình, ta hãy khoan, đừng vì tiếng chửi mà nổi giận. Hãy soi thủng, bình tĩnh nhận lại, sống lại với tánh giác hay nghe của mình. Quí vị soi thủng, nhận lại, sống được với tánh giác thì tiếng chửi kia sẽ không dẫn quí vị đi đâu hết. Chứ vừa nghe người ta nói lời gì đó, chưa hẳn chửi mình nữa, ta liền nghĩ đủ cách để đối phó thì dĩ nhiên tánh giác đã bị mờ đi rồi, phiền não sẽ lấp đầy trong tâm và ta thọ nhận khổ đau, tức giận.

    Cho nên người muốn sống lại với tánh giác của mình thì không hành động như vậy. Đối với tất cả các duyên lúc nào cũng bình tĩnh, sáng suốt, không lầm, không chạy theo, không mắc mứu bởi các duyên bên ngoài. Bởi tánh giác không hình tướng nên không thể chỉ ra cụ thể, song nếu chúng ta nghiệm cho kỹ, ai cũng có sẵn hết. Do có tánh giác ta mới có thể nhận biết rõ ràng mọi thứ mà không cần suy nghĩ gì cả. Cái nhận biết vô tư ấy mới đích thực chân thật, không sai lầm. Thế nhưng chúng ta cam chịu mất mình, ít khi sống được với cái chân thật này lắm. Đó là điểm khuyết dở cần phải chừa bỏ.

    Chúng ta đã có tánh giác sẵn mà bảo tu là tu làm sao? Đây lại là một vấn đề nữa. Có tánh giác nhưng mình bỏ quên nên cũng như không. Giống người có tài sản lớn nhưng lỡ bỏ quên ở đâu rồi, bây giờ hiện tại không có nên cũng thành kẻ nghèo thiếu. Nói tu là tu chỗ này, nghĩa là làm sao sống lại được với tánh giác sẵn có của mình. Thành ra tuy có tánh giác sẵn mà phải tu. Tại sao phải tu? Tu để nhận lại cái sẵn có ấy, đừng quên nó nữa. Nó với mình không phải là hai nên khi nghe người ta chửi mình vẫn bình thường, được mất buồn vui không còn quan tâm nữa, như vậy mới an lạc được. Bởi vì sống được với tâm chân thật rồi thì bất động.

    Như người thế gian ưa thích âm nhạc, khi nghe tiếng nhạc tâm hồn đặt hết vào những âm thanh ấy, quên cả thời gian, không gian. Có khi ngồi hằng giờ lắng nghe như vậy vẫn không thấy mệt thấy chán. Cũng thế, người tu khi sống được với tánh giác hoàn toàn trọn vẹn rồi thì cảnh duyên bên ngoài sẽ không can hệ gì mình nữa. Hiện tại chúng ta còn bị can hệ nhiều, phải không? Cảnh nào bên ngoài cũng làm mình vui buồn, phiền não, thoái tâm Bồ-đề, tại vì mình chưa sống được với tánh giác. Bây giờ chúng ta sẵn sàng buông bỏ tất cả để sống lại với tánh giác của mình. Tu như thế mới đúng với tinh thần của người tu nhất.

    Nếu chịu khó nghiệm kỹ lại, chúng ta sẽ thấy mình sống rất vô lý. Tại sao vô lý? Những thứ hư giả không thật, càng chạy theo càng mắc mứu, càng tạo nghiệp càng chuốc quả khổ, vậy mà chúng ta vẫn cứ chạy theo nó. Từ sáng sớm mở con mắt ra cho đến tối nhắm mắt lại ngủ, không lúc nào mình có được phút giây dừng lại. Chúng ta cứ lăn xả vào nghiệp lực, hăng say trong cuộc diện ấy, như thế mà nguyện Phật cho con được an lạc thì làm sao an lạc được? Phật nào có thể cứu giúp người thích bơi lội trong sự si mê vô lý. Nói vô lý vì mình đã có cái chân thật mà không chịu nhận, cứ lao đầu vào cái điên đảo hư giả rồi than khổ và cầu Phật cứu khổ. Cứ chấp nhận kéo dài cuộc sống lê thê trong sự vô lý đó. Càng vô lý càng điên đảo, càng điên đảo càng thêm vô lý, cho nên lăn lộn trong vòng luân hồi không dừng. Có một nhà thơ đã diễn đạt ý này thật khéo: “Lang thang từ độ luân hồi, vô minh nẻo trước xa khơi dặm về”.

    Thử hỏi tại sao chúng ta lại lang thang như thế? Tại vì mình chưa sáng, vì còn mê hay vì vô minh. Vô minh là gì? Vô là không, minh là sáng. Vô minh là không sáng. Chúng ta không chịu sống với cái sáng suốt của mình, mà lại sống với cái vô minh. Vì vậy nên tạo nghiệp chuốc lấy quả khổ trong ba cõi, mới nói Vô minh nẻo trước xa khơi dặm về. Bởi vô minh ở niệm trước đó đã tạo cái nhân mờ tối, khiến cho nẻo về quê xa tít. Đã tạo nhân vô minh thì sẽ bị quả vô minh dẫn đi. Phật là an lạc giải thoát thanh tĩnh, chúng ta không sống lại với tánh giác ấy mà gây tạo nhân lăng xăng phiền não tăm tối, làm sao thành Phật thành Tổ được? Chỉ có đừng vô minh là hết lang thang trong tam giới, là chấm dứt khổ đau. Giản dị vậy thôi.

    Khi nhận ra được tánh giác rồi, chúng ta sẽ thấy cuộc luân hồi lang thang hiện nay là một sự mê muội phi lý. Tự ta gầy dựng cái phi lý ấy cho mình và càng phi lý mãi khi ta không biết dừng. Như vậy quí vị có nhận ra cách tu chưa? Chỉ tỉnh sáng là được. Ví dụ như muốn ra đường thì mình phải sáng mắt, thấy bước ra ngoài nên đi theo ngã nào để đến chỗ mình muốn đến, không đi lầm đường lạc lối. Đó là chỗ người tu phải nhận ra. Thấy mình phi lý rồi thì đừng gây tạo, đừng sinh hoạt gì trong cái phi lý đó nữa. Mà phải vùng dậy, phải có sức mạnh, phải tin tưởng vào sức mạnh của mình, mạnh dạn đứng lên làm công việc của mình.

    Chúng ta nên tâm nguyện điều này: “Mau dừng lại, hãy dừng lại! Tự đảm đang việc của mình, đừng đợi ai, ỷ lại vào đâu, nương tựa cái gì khác mà tự mình phải nương tựa chính mình, tự mình làm cồn đảo cho mình, tự mình hãy sáng lên, đừng nhảy vào cuộc phi lý nữa. Tự mình sống lại với tánh giác của mình”. Tại sao chúng ta phải tâm niệm như vậy? Bởi vì vô minh rất nguy hiểm, nó là mấu chốt của vấn đề luân hồi sinh tử. Nếu chúng ta không dừng lại, không mạnh dạn tiến lên, thì sẽ bị nó dẫn đi trong sanh tử mãi. Hiểu và hành được như vậy mới đúng với chân tinh thần của người tu Phật.

    Chúng ta là đệ tử của Phật, chớ không phải đệ tử của ma, nên quyết không để vô minh lôi kéo. Con Phật thì phải có trí tuệ sáng suốt, không được mất bình tĩnh, không được mất mình, đầy đủ tư lương trên đạo lộ về quê nhà. Nhiều vị sợ chỉ ngồi tu, không lo toan cho cuộc sống thì không có cơm ăn, không có cái này cái kia làm sao tu được? Không phải như vậy. Những thứ ấy cũng giúp cho chúng ta, nhưng chỉ là phương tiện, là phần phụ thôi. Người tu còn có cái cao quí hơn nữa, đó là trí tuệ sáng , là công phu thiền định, là sự nghiệp giác ngộ giải thoát. Chúng ta không thể nào tu lơ mơ qua ngày, mà trong từng phút giây phải có sự dứt khoát. Mỗi khắc một thời gian đều quí báu để chúng ta thực sự trở về, sống lại với cái chân thật của mình. Làm sao phát huy và bảo quản được tính giác, tất cả mọi công đức đều phát sinh từ đó.

    Tóm lại, người tu phải tự tin tâm mình, phải là người can đảm phi thường, cần cù liên tục, chưa thành Phật thì chưa nói chuyện rồi. Đừng nghĩ một đời này hay hai ba đời gì, người tu không nói kiếp số. Bao giờ quí vị phát tâm như vậy sẽ thấy cuộc đời tu hành của mình phấn khởi lạ thường, vì không có gì cản trở mình được hết. Dù chúng ta gặp những chướng ngại nhưng đã chuẩn bị cho mình một tinh thần như vậy, chắc chắn sẽ vượt qua dễ dàng.

    Mục đích rốt ráo của chúng ta là tu hành giác ngộ để được an vui vĩnh viễn, chấm dứt phiền não khổ đau. Đó cũng chính là mùa xuân bất diệt không có thời gian và không gian giới hạn. Ở đó đất tâm luôn trổ những đóa hoa ngát hương thơm của trí tuệ và từ bi. Cho nên để có một mùa xuân miên viễn, xin mời tất cả hãy phá tan cánh cửa nhân ngã thị phi, cầm kiếm trí tuệ xông thẳng vào đất tâm thênh thang.

     

    HT. Thích Nhật Quang