Đừng vì nhu yếu hưởng thụ quá lớn, đừng vì cái tôi hẹp hòi bé nhỏ, để lúc nào ta cũng xây dựng trong lòng ngục thất của nghi ngờ, lo lăng và sợ hãi khi tiếp xúc với người khác.
Bàn tay từ ái
Có những lúc ta rơi vào vũng lầy đau khổ tuyệt vọng, hay bối rối hoang mang trước khúc quanh của cuộc đời, thật không có chi bằng khi có một cánh tay tình thương đưa tới cho ta tựa vào và truyền thêm sức mạnh, để vết thương trong ta được xoa dịu, để nguồn sống trong ta được đánh thức và giúp ta vượt qua những đoạn đường nghiệt ngã.
Bàn tay ấy tuy không phải là phép màu, nhưng nó có chứa chất liệu của tình thương, nó có mặt một cách một cách kịp thời và hợp lý để xâu kết những điều kiện có sẵn của một sức sống tiềm tàng trong ta bừng dậy.
Đó là bàn tay nâng đỡ mà ai cũng cần ít nhất vài lần trong đời, vì sống trong đời sống này có mấy ai luôn mỉm cười thanh thản trước những thay đổi bất chợt?
Khi em ngã thì anh nâng, khi anh ngã thì em nâng, nếu em và anh có liên hệ có tình thương và có sẵn một khả năng để nâng đỡ. Dù đó chỉ là một hành động lắng nghe chăm chú, một lời động viên an ủi, hay một thái độ bao dung tha thứ cũng có thể làm cho tình trạng của kẻ trong cơn nguy khốn được lành lặn và chuyển hóa.
Ta không thể nói ta không cần ai hết, bởi ta không thể đi một mình trong cuộc đời này. Vậy mà có những lúc vì tự ái, vì muốn khẳng định mình, vì thiếu chín chắn, ta đã dại dột tuyên bố những điều hết sức nông cạn như vậy.
Nhưng sự thật ta chưa bao giờ ngưng tiếp nhận niềm tin yêu từ những người thân, ta chưa bao giờ sống được mà không có sự nâng đỡ của đất trời hay vạn vật chung quanh, dù có khi sự nâng đỡ đó được thể hiện trong vô tướng.
Vậy nên những khi ta đang vững vàng thì hãy nhìn chung quanh mình, nhìn xuống thật gần để xem có ai đang cần tới bàn tay nâng đỡ của mình không? Đó là cái nhìn của một người trải nghiệm, đã từng thấm thía nỗi đau tột cùng khi không kịp lấy lại sức vì vấp ngã.
Đó là cái nhìn của một người hiểu biết, nắm vững được nguyên tắc điều hợp vũ trụ: có cái này nên mới có cái kia, nếu cái kia tàn hoại thì cái này cũng bị lãnh đủ.
Tuy ta đưa cánh tay đến để nâng đỡ đối tượng kia, nhưng kỳ thực là ta cũng đang nâng đỡ chính mình. Tuy ta đang tạo ra những năng lượng an lành để bảo vệ mầm sống chung quanh, nhưng đích thực là ta đang bảo vệ đời sống của chính mình.
Vì vậy cánh tay nâng đỡ đó phải là cánh tay của từ ái, của tình thương không điều kiện hoặc rất ít những điều kiện.
Mà tại sao ta muốn người kia phải làm cái gì đó cho ta thì ta mới chịu cứu giúp, trong khi ta đã thấy rõ tình trạng khốn khó mà họ đang gánh chịu và con tim ta đã rung động chân thành?
Họ đang đuối sức và cần ta, chứ họ không thể phục vụ gì thêm cho ta nữa. Ta hãy giữ vững niềm rung cảm chân thành ban đầu, đừng để cho ý niệm ích kỷ toan tính chen vào, đừng để cho những lời bàn tán vô trách nhiệm làm khuynh đảo.
Nếu thấy mình vẫn còn đủ năng lực thì hãy chia sớt cho người kia một phần. Phần nhận được không chỉ làm hồi sinh cho chính kẻ ấy, mà hồi sinh cho cả năng lực tâm từ trong ta nữa.
Tại vì ta vốn có sẵn một trái tim thương yêu rất lớn, lớn đến mức không biên giới, nhưng nếu không có những mảnh đời trái ngang kêu cứu thì tâm từ ấy sẽ không thoát thai được.
Thái độ nâng đỡ
Trong liên hệ thương yêu, không phải lúc nào người kia cũng cần ta mang thêm thứ gì lớn lao cho họ, cái họ cần đôi khi chỉ là sự có mặt đích thực của ta. Ta nói ta thương họ mà cứ đi biền biệt hoài, chỉ biết điện thoại hay gửi tin nhắn hay những lần gặp gỡ vội thì người kia trở nên héo tàn là phải.
Ta phải có mặt bằng cả con người của mình, cả thân lẫn tâm, một sự có mặt đầy vững chãi và thảnh thơi để cho người kia thấy được sự hết lòng của mình và cả giá trị của họ trong mắt mình.
Cho nên lâu lâu ta cũng nên dành trọn một buổi hay một ngày để ngồi chơi với người thân, dù không phải làm điều gì đặc biệt, chỉ im lặng mỉm cười hoặc tưới tẩm những hạt giống hạnh phúc trong tâm người ấy bằng những lời lẽ chân thành sâu sắc là ta đã tặng cho họ món quà rất lớn rồi.
Cuộc sống bận rộn quay cuồng nên ta dần đánh mất thói quen công nhận hay khen tặng người khác, dù họ rất xứng đáng.
Trái lại, vì ta đã bỏ ra quá nhiều năng lực và cảm xúc cho việc tích góp danh vọng, nên lúc trở về với những người thân ta bỗng trở thành đứa bé vô trách nhiệm hay vòi vĩnh những điều hết sức ngây ngô, hoặc thậm chí ta còn dễ dàng chê trách những chuyện không đâu, gây áp lực nặng nề cho kẻ khác.
Lẽ dĩ nhiên có những lúc ta cần được nâng đõ, nhưng nếu ta nghĩ là họ phải có trách nhiệm đem tới nguồn tinh thần cho ta, đổi lại ta sẽ mang thật nhiều tiện nghi vật chất về cho họ thì ta đã sai lầm. Khó có ai có thể sống vững mà không được quan tâm, không được công nhận.
Vậy nên thỉnh thoảng ta hãy hỏi người kia có gặp khó khăn gì cần ta nâng đỡ không? Sống chung với một người mà lúc nào cũng sẵn sàng mở lòng ra để nâng đỡ, lúc nào cũng có sẵn trên môi câu nói: “Có cần tôi nâng đỡ gì không?” thì hạnh phúc biết chừng nào.
Ta đừng sợ nói ra thì người kia sẽ vắt kiệt năng lượng của mình. Không đâu, ta hãy cứ thực tập đi rồi ta sẽ thấy ta đã thừa hưởng hạnh phúc ngay khi ta mở miệng nói câu ấy rồi, huống chi vẫn còn tùy ở khả năng đang có mà ta trọn quyền định liệu.
Điều quan trọng là ta có thiện chí muốn chia sẻ tình thương đến mọi người, luôn muốn mọi người hạnh phúc hơn, tức là ta đã làm được điều con tim muốn ta làm.
Nhưng ta đừng vội nản lòng khi thấy mình đã hết lòng rồi mà sao người kia vẫn chưa thay đổi. Một sự chuyển hóa bao giờ cũng hội tụ rất nhiều điều kiện chứ không thể chỉ dựa vào phần đóng góp của riêng ta mà nó xảy ra được, và chưa chắc là phần đóng góp ấy có giá trị thiết thực cho người kia nữa.
Huống chi những điều kiện để tạo nên sự chuyển hóa trong người kia vẫn đang xảy ra và một số điều kiện khác xung đang trên đường đi toái, ta hãy kiên nhẫn chờ đợi và không ngừng sự nâng đỡ.
Biết đâu những điều kiện sau cùng để thay đổi lại xuất phát từ chính thiện chí và tình thương của ta. Cho nên ta đã thương và muốn cứu giúp rồi thì đừng rút cánh tay lại, cũng có thể khi ta thu năng lượng che chở ấy lại thì người kia mới thật sự rơi tõm xuống vực sâu, vì niềm tin của họ đã dồn về phía ta, chỉ có ta đem tới nhân duyên ứng hợp để giúp họ thay đổi mà thôi.
Ta hãy luôn nhớ rằng tình thương mà mang theo quá nhiều điều kiện thì coi chừng ta đang thương bản thân mình chứ không phải là đang thương đối tượng kia.
Đừng để hạt giống ích kỷ đánh lừa. Để trắc nghiệm ta hãy thường xuyên tự chất vấn mình nếu lỡ người kia không chịu tiếp nhận, hoặc nghi ngờ tấm lòng tốt của ta thì ta sẽ ra sao? Nếu vì những phản ứng của họ mà ta dập tắt ngay ý niệm muốn cứu giúp là ta chứng tỏ lòng chân thành của ta đã chưa đủ lớn.
Đành rằng không phải lúc nào sự giúp đỡ của ta cũng là điều kiện cần thiết cho người kia, nhưng nếu ta đã thương và muốn giúp đỡ thì hãy cứ kiên nhẫn chờ đợi đến khi họ cần.
Một tấm lòng tốt sẽ không bao giờ là thừa thãi. Ta hãy nâng niu lòng nhiệt tâm giúp đỡ của mình, đừng để nó bị hao mòn hoặc chai cứng, thì sau này ta sẽ khó để đặt xuống một tình thương.
Đi như một bầy chim
Cũng có khi vì thói quen sĩ diện hay tự ái quá lớn mà ta luôn có khuynh hướng che đậy những khó khăn của mình. Như ta đang rất khổ sở vì mối nghi ngờ ngày một đè nặng trong lòng nhưng lại không chịu nói ra, vì nếu nói ra sợ người kia nghĩ ta là kẻ tầm thường hay yếu đuối nên chỉ biết cắn răng chịu đựng. Người kia gạn hỏi thì ta lại nói là không sao cả, ta đang rất ổn.
Khi đã cố gắng hết sức rồi mà tinh thần vẫn rơi xuống thấp như vậy thì tại sao ta không nhờ đến sự nâng đỡ của người kia? Vậy sống với nhau để làm gì? Đôi khi chỉ cần một lời giải thích đơn giản là vấn đề đã được sáng tỏ rồi, ta sẽ không tự giam mình trong những ngày tháng u tối chỉ vì những tri giác sai lầm.
Hãy nhìn loài thiên nga mỗi khi cùng bầy di cư về miền đất ấm trước khi mùa đông đến. Chúng thường bay chung với nhau theo hình chữ V, nhịp vỗ cánh của con bay trước sẽ tiếp sức cho nhịp vỗ cánh của con bay sau, cứ thế mà chúng tiết kiệm được 70% công lực thay vì bay một mình.
Trên thức tế chưa bao giờ có con thiên nga nào dám một mình bay từ phương Bắc về phương Nam, vì đoạn đường đó có khi dài tới hàng trăm hoặc hàng nghìn dặm.
Điều kỳ thú là khi con dẫn đàn thấm mệt thì nó sẽ lùi lại để con thứ hai hoán vị với mình, nó không bao giờ độc tài lãnh đạo cả. Đặc biệt hơn nữa, khi có một con thiện nga bất ngờ bị kiệt sức hay trúng thương thì nó sẽ cử hai con mạnh khỏe khác ở lại yểm trợ và cả đàn sẽ giảm tốc độ tối thiểu để chờ chúng đuổi theo.
Chúng không bao giờ bỏ qua sự nâng đỡ và yêu thương đồng loại của mình.
Khi nhìn bầy thiên nga luôn đi bên nhau có thể ta sẽ rơi nước mặt. Tại vì ta rất tôn sùng chủ nghĩa cá nhân, rất thích sống biệt lập, nên không muốn ai đụng tới mình và ta cũng chẳng buồn quan tâm đến nỗi khổ niềm đau của kẻ khác.
Ngay với những người thân trong gia đình mà ta vẫn còn sống rất ơ hờ thì đừng nói chi đến hai chữ “đồng loại” lớn lao kia. Mà có lớn lao gì đâu, mình không thương được đồng loại của mình, mình không nâng đỡ được đồng bào của mình, mình không chia sớt được nỗi khổ niềm đau của dân tộc mình thì làm sao mình có thể đứng vững trong trời đất này kia chứ?
Nếu có, thì đó cũng là sự vay mượn giả tạm mà cái giá phải trả cũng sẽ rất đắt.
Biển đời mênh mông vô tận, trong lòng nó luôn chứa những đợt sóng ngầm, nó sẽ sẵn sàng kéo con thuyền ra xa và nhẫn chìm bất kỳ lúc nào nếu ta không kịp tỉnh táo và đủ sức để đối phó.
Vậy nên ta hãy đi với nhau như một bầy chim, hãy cùng những người thân siết chặt tay nhau để đủ sức vươn lên những cánh buồm lớn cho con thuyền lướt nhanh tới phía trước.
Ta đừng kẹt vào tài năng hay sự may mắn rồi tự ban cho mình một vị trí quá lớn mà trở nên khó khăn để hòa nhập với mọi người chung quanh. Đó là một thiệt thòi rất lớn, vì sức mạnh của đoàn thể bao giờ cũng có tính chất chở che và soi sáng.
Ta không nhất thiết phải làm thuyền trưởng thì ta mới có thể tham sự trên con thuyền vượt khơi. Mỗi vị thủy thủ chỉ cần tự biết được trách nhiệm của mình và sẵn sàng hoán vị với người khác khi cần thiết để mình kịp thời lấy lại phong độ mà ứng phó với những đợt sóng vô tình phía trước là được.
Hãy đi bên nhau để có cơ hội va chạm, để buông bỏ bớt lòng cố chấp, để tập nhường nhịn và hòa điệu với nhau. Đó là những yếu tố quan trọng làm nên bản lĩnh và thành công của con người.
Ta hãy sống đời sống của một con người có hiểu biết và thương yêu, hãy chấp nhận nhau như những con thiên nga chấp nhận đồng loại của mình.
Đừng vì nhu yếu hưởng thụ quá lớn, đừng vì cái tôi hẹp hòi bé nhỏ, để lúc nào ta cũng xây dựng trong lòng ngục thất của nghi ngờ, lo lăng và sợ hãi khi tiếp xúc với người khác.
Còn đi chung đường với nhau, còn nhìn nhau tận mặt và sẵn sàng lên tiếng khi cần nhau hay hết lòng nâng đỡ nhau là ta đang giữ được thiêng chức của một sinh linh mầu nhiệm rồi.
Hãy giữ lấy con đường ấy, vì đó chính là con đường đưa tới hạnh phúc chân thật!
Đi như một bầy chim
Vượt vùng trời băng giá
Đừng một mình ra khơi
Biển đời nhiều sóng cả
Thích Minh Niệm