Suy Ngẫm

  • Nguồn gốc sâu xa của sự thành công

    Chúng ta đây là những con người, chúng ta đều có khả năng tìm thấy hạnh phúc và biết yêu thương, nhưng cũng có những loại tiềm năng có thể biến ta thành một kẻ bất hạnh và nguy hại cho kẻ khác. Những loại tiềm năng như thế đều hàm chứa trong mỗi con người. Muốn được hạnh phúc, cần phải phát huy những khía cạnh tích cực và hữu ích và đồng thời giới hạn những khía cạnh tiêu cực.

     

     

    Những hành vi tiêu cực, chẳng hạn như trộm cắp hay nói dối, đôi khi có vẻ như tạo được thoả mãn tức khắc, nhưng lâu dài sẽ đem đến khổ đau.

    Các hành vi tích cực, trái lại sẽ luôn luôn đem đến một sức mạnh nội tâm quan trọng. Nhờ vào sức mạnh nội tâm, ta sẽ bớt sợ hãi và tự tin hơn; nhờ thế ta mới có thể quan tâm đến kẻ khác một cách dễ dàng hơn, có thể vượt qua biên giới của tôn giáo, văn hoá hay bất cứ những khó khăn nào khác.

    Vì thế thật quan trọng phải quan sát và phân tích cẩn thận những tiềm năng sâu kín trong ta, vì nó có thể tạo ra điều thiện và cả điều xấu.

    Tôi gọi thái độ trên đây là cách khơi động tình người. Tôi luôn luôn quan tâm chủ trương tìm hiểu những giá trị căn bản nơi mỗi con người, chẳng hạn như lòng từ bi, quan tâm đến kẻ khác và sự tự nguyện. Dù theo tôn giáo nào, dù hữu thần hay vô thần, nhưng nếu thiếu những giá trị vừa kể ta sẽ không thể nào tìm thấy hạnh phúc được.

    Ta thử phân tích những lợi ích của từ bi và tình thương yêu trong đời sống thường nhật xem sao. Chẳng hạn, khi mới thức giậy, ta cảm thấy khoan khoái, tinh thần vui vẻ và thoả mãn, cánh cửa nội tâm sẽ mở rộng giúp ta đưa tay đón lấy một ngày đang hiện ra trước mặt.

    Trong ngày hôm ấy, nếu như ta có gặp một người mà ta không thích, ta vẫn đủ sức để nói lên một lời thân thiện với kẻ đó. Tiếp theo đấy, biết đâu ta cũng có thể đàm thoại với họ, tuy rằng trước đây ta vẫn xem họ là một người khó thương, để rồi cả hai bên cùng trao đổi với nhau những quan điểm thật ích lợi.

    Khi ta tạo được một bầu không khí tích cực và thân thiện, sự sợ hãi và bất an tự nhiên sẽ biến mất giữa họ và ta. Đó là phương cách khá dễ để có thêm bạn bè và để nhìn thấy những nụ cười mới mẻ hiện ra với ta.

    Nhưng nếu trong một ngày nào đó mà ta cảm thấy bực bội và cáu kỉnh, cánh cửa nội tâm sẽ tự động khép lại trong ta. Với tâm trạng này, dù cho gặp lại một người bạn thân thiết nhất đi nữa, ta vẫn cảm thấy thiếu thoải mái và căng thẳng.

    Các thí dụ trên đây cho thấy những thái độ bên trong của ta đã nắm giữ vai trò quyết định ảnh hưởng đến những cảm nhận hằng ngày trong cuộc sống.

    Để có đủ sức mạnh giúp tạo ra những xúc cảm an vui cho chính bản thân ta, cho gia đình và cả tập thể những người chung quanh, ta cần phải ý thức rằng nguồn gốc sâu xa của sức mạnh đó nằm sẳn trong mỗi cá nhân, tức trong mỗi con người chúng ta – ấy là tình thân ái, lòng từ bi và tình người.

    Không phải từ bi chỉ đem đến lợi ích trên mặt tâm thức mà còn giúp cho thân xác được khoẻ mạnh. Theo nền y khoa tân tiến ngày nay, và cũng dựa vào kinh nghiệm của bản thân tôi, sự thăng bằng của tâm thức và sức khoẻ luôn luôn đi đôi với nhau.

    Thật rõ ràng, sự giận dữ và những dao động trong tâm thức làm cho ta dễ ốm đau, ngược lại khi tâm thức an bình và hướng về những điều tích cực, thân xác sẽ khó bị bịnh tật hơn. Điều ấy chứng minh cho thấy phần thân xác là nơi tiếp nhận tình người và cả sự an bình xuất phát từ nơi tâm thức.

    Đồng thời tôi cũng tin rằng, khi ta chỉ biết nghĩ duy nhất đến bản thân mình, thì cái nhìn của ta về mọi sự vật chung quanh cũng sẽ trở nên hẹp hòi.

    Và vì lẽ đó, những buồn phiền nhỏ nhặt cũng hoá thành trọng đại, tạo ra lo sợ và bất an, giống như bị tràn ngập bởi mọi thứ bất hạnh.

    Ngược lại, khi biết nghĩ đến kẻ khác và tìm cách giúp đỡ họ, sự quán nhận của ta về thực tại sẽ trở nên bao quát hơn. Khi mở rộng tầm nhìn, những vấn đề cá nhân sẽ mất đi tầm quan trọng, và điều đó sẽ làm thay đổi tất cả.

    Khi âu lo cho kẻ khác, sức mạnh nội tâm sẽ toả rộng trong ta, dù cho ta đang phải bận tâm đối đầu với những khó khăn hay những vấn đề riêng tư khác.

    Nhờ vào sức mạnh nội tâm ấy, buồn phiền của riêng ta sẽ trở nên kém quan trọng và không còn ám ảnh ta nữa. Nếu biết vượt lên trên những vấn đề cá nhân để quan tâm đến kẻ khác, ta sẽ vững vàng hơn trên mặt đạo đức, sẽ cảm thấy tin tưởng, can đảm, và an bình hơn.

    Điều đó chứng minh cho thấy cách thức suy tư đã tạo ra ảnh hưởng quan trọng như thế nào.

    Khi ta thật sự hành động vì sự an vui của chúng sinh, quyền lợi và những mong ước cá nhân của ta cũng sẽ theo đó mà thành tựu, giống như những sản phẩm phụ thuộc phát sinh một cách tự nhiên.

    Trong tập sách « Đại luận về con đường đưa đến Giác ngộ », vị Lạt-ma Tông Khách Ba (Tsongkapa), một vị thầy lừng danh trong thế kỷ XV, đã viết như sau «Khi một người tu tập biết hành động và suy tư thật mạnh về sự an vui của kẻ khác, họ sẽ nhìn thấy những nguyện vọng của mình tự nhiên được thành tựu, giống như những sản phẩm phụ thuộc sinh ra một cách đương nhiên, không cần đến một cố gắng nào cả ».

    Một số quý vị có lẽ đã từng nghe tôi nói đến điều sau đây, vì tôi vẫn thường nhắc đi nhắc lại điều này, theo một ý nghĩa nào đó, người ta có thể nói rằng những người Bồ-tát, tức những vị tu tập Đạo Pháp bằng từ bi, là những người « ích kỷ một cách hết sức khôn ngoan », trong khi đó chúng ta lại cư xử giống như những người « ích kỷ một cách vô cùng đần độn ».

    Nếu chỉ biết nghĩ đến chính mình, bất chấp sự thiệt thòi của kẻ khác, chúng ta sẽ không tìm được hạnh phúc và sẽ sống trong bất an.

    Nhân ái và yêu thương còn có những lợi ích khác nữa, tuy rằng những lợi ích ấy không dễ cho ta nhận thấy ngay. Tu tập Phật giáo nhắm vào rất nhiều mục đích, một trong những mục ích ấy là được tái sinh thuận lợi trong kiếp sau.

    Mục đích này chỉ có thể thực hiện được khi nào ta biết tự giữ gìn không làm hại đến kẻ khác và đồng thời biết mở rộng lòng vị tha và nhân từ. Thật là hiển nhiên, trong số sáu giáo pháp Ba-la-mật là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tiến, thiền định và trí tuệ, người Bồ-tát phải đặt trọng tâm vào sự giúp đỡ và ân cần với những người chung quanh.

    Vì thế, yêu thương và hơi ấm trong tim ta là những đức tính sâu kín giúp đem đến thành công trong sự sống, sự thăng tiến trên đường tu tập để đưa đến mục đích tối hậu: sự Giác ngộ.

    Vì thế từ bi và yêu thương bao giờ cũng quan trọng, từ lúc mới bước chân vào đời, trong giữa cuộc sống hay đến lúc phải nằm xuống. Những đòi hỏi đó và những giá trị đó không giới hạn trong bất cứ một giai đoạn nào, một địa danh nào, một xã hội nào hay một nền văn hoá nhất định nào.

    Chúng ta chẳng những cần đến từ bi và tình yêu thương giữa con người với nhau để sống còn, mà những phẩm tính đó còn đem đến cho ta thành công trong cuộc sống.

    Thái độ ích kỷ, không những sẽ tạo ra nhiều điều bất hạnh cho kẻ khác mà còn ngăn cản không cho ta tìm thấy hạnh phúc mà ta hằng mong ước.

    Đã đến lúc ta cần phải suy nghĩ về những điều trên đây và chọn lấy một thái độ thích nghi, có đúng vậy hay chăng? Dù sao đi nữa, đấy cũng là niềm tin của riêng tôi.

     

    Dalai Lama
    Hoang Phong (dịch)
    Theo: Sách Con đường đưa đến Hạnh phúc