Suy Ngẫm

  • Căng thẳng

    Con người sống trong xã hội hiện nay ngày càng bận rộn. Gần như ai nấy cũng phải chạy mới có thể làm hết việc của mình. Việc ở đâu mà nhiều thế? Cũng tự nơi ta đề ra thôi, xã hội đi tới đâu ta đi tới đó, ai có cái gì ta có cái đó. Nếu không ta sẽ bị chê trách là lạc hậu, không sống được một đời sống văn minh.

     

     

    Ta hay nghĩ rằng đời sống văn minh là đời sống bắt kịp tri thức và lối sống hiện đại nhất của nhân loại, trong đó, những thành tựu vật chất luôn được đem ra làm thước đo cho sự nghiệp của mỗi người. Nhưng ta đâu biết rằng phía sau những thành tựu đó là những hầm hố chôn vùi vô số nạn nhân của stress, trầm cảm, tâm thần, tự tử trên khắp thế giới.
     
    Bởi lẽ càng hưởng thụ thì con người phải bỏ nhiều thời gian và năng lực ra để chế biến, nhưng cũng thật buồn cười là càng tích góp bao nhiêu thì ta càng không có cơ hội để tận hưởng bấy nhiêu. Thức ăn có đầy trong tủ lạnh nhưng ta vẫn ăn cơm hộp, nhà cửa đầy đủ tiện nghi nhưng ta vẫn chạy suốt ngoài đường. Nói như triết gia A. Gluckman: “Không có thứ gì không thuộc về con người mà xa lạ với con người như hiện nay”.
     
    Quả thật bận rộn quá thì làm sao sống, làm sao có đủ năng lực để kiểm soát và điều tiết được bản thân, làm sao có thể thừa hưởng được những giá trị hạnh phúc đang hiện hữu? Một đời sống như thế chỉ được gọi là một đời sống hưởng thụ.
     
    Văn minh phải là đời sống có hiểu biết, trong đó, con người phải có khả năng chọn lựa những gì có thể bồi đắp cho hạnh phúc và thương yêu, cũng như sẵn sàng buông bỏ bớt những gì chỉ đem tới sự thỏa mãn nhất thời nhưng lại phá hại sự cân bằng và thanh thản.
     
    Vậy nên, khi ta xác định rõ mục tiêu của đời mình theo hướng nào thì phong cách sống của ta cũng sẽ đồng điệu với hướng đó. Nghĩa là khi ta lựa chọn lối hưởng thụ cao cấp là ta đã chấp nhận tuyên chiến với những chứng bệnh tâm lý của thời đại, mà stress là hội chứng lớn nhất hiện nay.
     
    Bắt đầu từ sự lo lắng về một vấn đề cần phải giải quyết dứt điểm trong một thời gian ấn định, nhưng vì chưa có giải pháp, nên não bộ cứ liên tục nhắc nhở vấn đề khiến ta phải nhớ - rồi lại lo lắng vì chưa tìm được giải pháp - rồi lại nhớ vấn đề - rồi lại nôn nóng giải quyết nhưng chưa được - rồi lại lo lắng... Mỗi vòng lặp lại như vậy sẽ làm cho mức độ cảm xúc xấu tăng dần, dồn nén liên tục cảm xúc sẽ bị nghẽn mạch. Nếu đó là vấn đề quan trọng thì sự thoi thúc của ý chí sẽ càng lớn và cường độ cảm xúc sẽ càng mạnh.
     
    Lẽ dĩ nhiên nếu vấn đề không giải quyết được thì ta phải gánh chịu tổn thất, đó có thể là công việc hay một mối quan hệ. Nhưng vì ta muốn kháng cự lại, ta không chấp nhận mình bị thất bại, không muốn chịu đựng cái cảm xúc xấu do sự tổn thất đưa tới, cũng như ta cố tranh đấu quyết liệt để bảo vệ những cảm xúc tốt mà mình đang có. Thế nên chuỗi phản ứng tâm lý như sợ hãi, lo lắng và căng thẳng xuất hiện và phát triển không ngừng để thể hiện bản năng tự vệ của mình.
     
    Một khi tâm lý bị bế tắc liên tục sẽ khiến cho cảm xúc xấu cứ dồn nén ở mức độ cao, đó sẽ là cơ hội tốt cho các loại độc tố như epinephrine chế xuất ồ ạt trong não bộ, khiến các quá trình hoạt động và trao đổi chất của cơ thể bị rối loạn. Ngành y khoa đã xác nhận hiểm họa của sự rối loạn các quá trình trao đổi chất của cơ thể sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến bệnh tim mạch, suy nhược thần kinh và cả những triệu chứng ung thư nữa.
     
    Vậy mà khi vấn đề được giải quyết ta chỉ thấy mình thật tài năng, thật may mắn và cũng thật sung sướng vì có thêm một vài thứ tiện nghi nữa trong tay. Nhưng ta không hề biết rằng để có nó ta đã tiêu phí bao nhiêu cân não, tiêu hủy bao nhiêu năng lượng sống và hệ quả đáng sợ là một ngày không xa ta phải chào đón những chứng bệnh quái quỷ nhất của thời đại. Đó có phải là một bài toán khôn ngoan không?
     
    Mỗi khi rơi vào trạng thái stress, thay vì ta đổ thừa cho người khác hay hoàn cảnh, cũng như tìm mọi cách để thay đổi tình huống, thì ta hãy thật bình tĩnh quay lại kiểm tra thái độ của mình, vì phần lớn chính ta mới là tác giả của những khó khăn và đau khổ trong ta.  Sau đây là 10 lý do thường khiến ta trở nên căng thẳng.
     
    1. Muốn mọi việc theo ý mình: Ta hay muốn cách giải quyết vấn đề phải theo kinh nghiệm và kiến thức của mình, chứ không chịu mở lòng tham khảo ý kiến của người khác. Nhưng đâu phải lúc nào ý kiến của mình cũng đúng và được người khác lắng nghe. Cho nên tính độc tài là một trong những kẻ gây ra stress.
     
    2. Đánh giá sai lầm kết quả: Ta thường thổi phồng hoặc nghiêm trọng hóa vấn đề đang xảy ra. Dù vấn đề vẫn đang trong giai đoạn giải quyết nhưng ta luôn nhìn bằng con mắt bi quan, tự tiên đoán kết quả rất tồi tệ. Và nếu thất bại thì mọi thứ khác sụp đổ hết, ta sẽ không còn gì và người kia sẽ nghĩ về ta như thế nào đây…Trong khi sự thật vấn đề không phải như ta nghĩ. Bản tính nhút nhát lo sợ đã tạo ra áp lực cho chính ta.
     
    3. Đánh giá sai lầm đối tác: Mỗi khi gặp rắc rối ta hay nghĩ: “Tại sao cứ phải là tôi, bộ muốn hành hạ hay sao mà bắt tôi phải làm nhiều thế? Gấp rút thế này thì ai đảm đương cho nổi, bộ tôi là cái máy à? Sao tôi phải làm việc chung với những người không chuyên nghiệp thế kia? Tại số tôi đen đủi hay tại bọn họ có quá nhiều năng lượng xấu? Thái độ nghi ngờ và coi thường đối tác rất dễ tạo ra những cân não nặng nề, mệt mỏi.
     
    4. Thiếu khả năng chấp nhận: Nếu đã từng thành công dễ dàng trong quá khứ, chưa từng gặp qua khó khăn nào như vậy, và tự đặt cho mình nguyên tắc chỉ có thành công chứ không có thất bại, thì khả năng chấp nhận trong ta sẽ rất yếu kém. Ta cần phải ý thức rằng thuận nghịch, may rủi, thành bại đều là sự vận hành rất tự nhiên của cuộc sống.  Thái độ khôn ngoan nhất là nên học cách chấp nhận, thua keo này ta lại bày keo khác.
     
    5. Tình trạng tâm lý yếu kém: Sức khỏe sa sút, tình cảm trục trặc, truyền thông giữa các đồng nghiệp xấu tệ, sếp thiếu tin tưởng và luôn chỉ trích…thường là những tác nhân khiến cho tinh thần ta xuống dốc. Cho nên vấn đề đáng lẽ không mấy phức tạp, nhưng khi tâm trí rối bời thì không những không tìm được một giải pháp tốt, mà ta làm hỏng thêm bằng những hành vi không tự chủ.
     
    6. Thói quen cứng nhắc: Nếu áp dụng nguyên tắc 2 lần 2 là 4 vào mọi vấn đề trong cuộc sống thì ta sẽ gặp rắc rối to. Đôi khi 2 lần 2 có thể bằng 3 hoặc bằng 5, chỉ cần chờ thêm một thời gian nữa thì 3 sẽ tự động cộng thêm 1 và 5 sẽ tìm cách trừ đi 1. Mọi vấn đề luôn vượt ra khỏi những khuôn khổ, nên ta phải kịp thời uyển chuyển thì cơ hội sẽ tự động mở ra. Đừng quên ta cần giải quyết vấn đề chứ không phải cần giữ gìn nguyên tắc.
     
    7. Thói quen cảm xúc: Thay vì phải đặt mục đích và quyền lợi của tập thể lên trên, ta lại để cho cảm xúc thích hay không thích của cá nhân chi phối. Nhiều khi vấn đề cũng thật đơn giản, nhưng chính sự tự ái và tổn thương quá lớn đã khiến cho ta rơi vào tình trạng bức xúc và nhìn vấn đề theo chiều hướng lệch lạc.
     
    8. Luyến tiếc quá khứ: Khi sự việc đang xảy ra, ta lại hay so sánh với những thành công trong quá khứ. Ngay khi vấn đề đã trôi qua rồi, nhưng ta vẫn ray rứt về những điều đáng lẽ mình có thể xoay xở trong tầm tay. Luyến tiếc chính là biểu hiện của sự thiếu tự tin, nó luôn vắt kiệt năng lực và khiến ta luôn chán nản, dễ dàng bỏ cuộc.
     
    9. Mơ tưởng tương lai: Vì cho rằng cái khó khăn mà ta đang gặp là do hoàn cảnh bất lợi, nên ta hay có thái độ đứng núi này trông núi nọ. Thay vì bắt tay vào tháo gỡ vấn đề thì ta lại mơ tưởng đến một hợp đồng khác, một đối tác khác, một công ty khác hay một thị trường kinh tế khác. Đây cũng là biểu hiện của sự thiếu bản lĩnh, chối bỏ hiện tại.
     
    10. Không sống được với hiện tại: Nếu thấy được hạnh phúc luôn có mặt đầy đủ trong giây phút hiện tại, vấn đề kia chỉ là một phần nhỏ của sự sống, thì ta sẽ đủ can đảm xếp chúng vào một ngăn riêng chờ điều kiện thuận lợi hơn sẽ giải quyết. Chính vì không thể sống trong hiện tại nên ta luôn bị cuốn vào vòng xoáy được mất, hơn thua và quên luôn mục đích cao cả cuộc sống.
     
    Như vậy trạng thái bế tắc tâm lý phần lớn là do tâm của con người tạo ra. Hoàn cảnh luôn tồn tại một cách trung lập, tự thân của nó vốn dĩ không chứa đựng sự căng thẳng. Vậy khi có một người than rằng tôi đang bị stress quá, tức là người đó đã tự tuyên bố về sự xuống cấp của chính mình. Thay vì tìm cách thay đổi hoàn cảnh thì hãy quay về điều chỉnh và bồi dưỡng lại nội tâm của mình. Đó là sự lựa chọn khôn ngoan nhất.
     
    Khi phát hiện ra mình đang bị stress, trước tiên ta phải ý thức đây chính là sự báo động tình trạng tâm lý đang bế tắc và có thể gặp nguy hiểm, nên phải nhanh chóng tìm cách giúp đỡ. Cách hồi phục năng lượng hay nhất là phải gạt bỏ hết những lo lắng rối nhùi trong đầu, muốn vậy, hãy chọn một nơi thật yên tĩnh để thực tập định tâm bằng hơi thở.  Chừng mười lăm phút theo dõi hơi thở vào ra, ta sẽ dễ dàng trở lại trạng thái ổn định.
     
    Đi từng bước nhỏ chậm rãi trong phòng, ngoài hành lang hay trên một đoạn đường râm mát cũng đem lại nhiều kết quả bất ngờ. Chỉ cần ta ý thức từng bước chân của mình chạm xuống mặt đất, hoặc chú ý đến những dòng cảm xúc đang tuôn tràn và nếu có thể hãy tìm hiểu thêm nguyên nhân của nó. Nở nụ cười ghi nhận những cảnh vật đang xảy ra trước mắt cũng rất cần thiết để giúp ta thư giãn thần kinh, buông xả năng lượng tiêu cực.
     
    Thực tập yoga, thể thao, hội họa, chơi kiểng, du lịch cũng cải thiện được tinh thần, đặc biệt thiền là phương pháp đối trị stress hữu hiệu nhất. Khi ta nhìn nhận vấn đề trong một phạm vi rộng lớn, đặt nó vào một khoảng thời gian đủ lâu và một tinh thần minh mẫn để xem xét thì ta sẽ thấy rõ sự thật hơn, như vậy sẽ có nhiều cơ hội hay nhiều cách giải quyết hơn.
     
    Nếu vấn đề là sự cố giữa các mối quan hệ thì ta hãy chủ động tiếp cận đối tượng kia, dùng nghệ thuật lắng nghe và ái ngữ để nói rõ những cái thấy, khó khăn, yếu kém và cả nguyện vọng của mình, xin bên kia giúp đỡ. Nếu là công việc thì ta cần phải nhìn nhận lại tình trạng vấn đề một cách chính xác để tìm ra nguyên nhân nào dẫn đến khó khăn.
     
    Trường hợp điều kiện để thay đổi vẫn còn trong tầm tay thì ta hãy đem hết tài năng ra để tháo gỡ, lần này chắc chắn khả quan hơn vì năng lực trong ta đã phục hồi và thái độ của ta đối với vấn đề đã khác.  Nếu lỡ sự việc nằm ngoài tầm tay thì ta đành phải chấp nhận thất bại một phen, coi như đây là lần học hỏi kinh nghiệm.
     
    Ta đừng quên rằng mọi thứ trong đời sống đều giữ riêng một giá trị, chứ không phải chỉ có mỗi mục đích mà ta đang lao tới, cho nên hãy tập sống chậm lại để có nhiều cơ hội tiếp xúc từng giá trị mầu nhiệm của cuộc sống đang hiệu hữu chung quanh.
     
    Hãy sống thật đơn giản, biết chọn lựa những giá trị nào có thể nuôi dưỡng bình an và hạnh phúc. Còn những thứ tiện nghi chỉ đem lại sự hưởng thụ xa xỉ hay sự bám víu ích kỷ thì ta hãy cố gắng buông bỏ bớt.  Đừng để bản năng háo thắng luôn tìm cách chứng tỏ mình, khiến ta liều lĩnh lao tới phía trước như con thiêu thân không cần biết đoạn kết.
     
    Hãy nâng niu trái tim yêu thương và niềm tin đi vào cuộc sống, ta sẽ cùng trôi nổi với dòng đời vốn không ngừng đổi thay này một cách tự tại an nhiên.

     

    Buông bỏ những ưu tư
    Che mặt trời trước mặt
    Cho con thuyền xa khơi
    Đâu mang nhiều thứ nặng

     

    Minh Niệm