Này bạn, khi bạn bắt đầu thực tập ý thức và quan sát vào mọi đối tượng ở mọi lúc mọi nơi thì trong bạn sẽ phát sinh ra một nguồn năng lượng của thiền. Nguồn năng lượng này giúp bạn trở về có mặt với sự sống và tiếp xúc một cách sâu sắc, thay vì chìm đắm trong quá khứ hay mơ tưởng tới tương lai.
Thiền làm tăng thêm năng lượng cho cuộc sống
Nói cách khác, thiền là năng lượng
giúp bạn chứng nghiệm từng khoảnh khắc của sự sống đang trôi qua. Bạn
thấy mình đang sống. Thí dụ mỗi khi rửa chén bạn hay có thói quen “rửa
cho xong” để nghỉ ngơi, thì chắc chắn khoảng thời gian đó bạn sẽ không
có mặt. Bạn tuy có đứng đó nhưng bạn không có mặt ở đó. Tâm trí của bạn
bấy giờ có thể đang lang thang ở đâu đó.
Tôi đề nghị lần sau
khi rửa chén bạn đừng nghĩ là phải rửa cho xong, mà hãy “rửa để mà rửa”
bởi bên trên mục đích rửa chén cho xong trách nhiệm còn giá trị tiếp xúc
với sự sống nữa. Rửa chén cũng là một phần của sự sống. Giây phút bạn
đứng rửa chén mà làm chủ được chính mình, không bị thúc đẩy bởi một dự
tính nào hấp dẫn sắp tới thì chứng tỏ là bạn đã sống được trong thời
gian rửa chén, đã chứng thực được giá trị mầu nhiệm của sự sống mà không
bỏ lỡ. Đó là một sự kiện rất quan trọng.
Nếu trong lúc rửa
chén mà bạn cứ nghĩ tới tách trà, tới sự nghỉ ngơi hay bất cứ một công
việc nào trong tương lai để mong cho việc rửa chén qua mau, xem việc rửa
chén như một cực hình thì chứng tỏ bạn không biết cách rửa chén. Không
biết cách rửa chén thì chắc gì bạn sẽ biết cách uống trà. Nâng tách trà
lên mà bạn không thưởng thức được hương vị thơm ngon của tách trà, cứ
theo thói quen “nhất cử lưỡng tiện” lấy sách báo ra đọc hay xem ti vi,
hoặc dự tính sau khi uống trà xong mình sẽ làm gì, như vậy bạn đã không
thực sự uống trà.
Bạn đã không thực sự rửa chén hay thực sự uống
trà thì làm bất cứ cái gì bạn cũng sẽ có thái độ làm cho có, làm cho
xong. Rốt cuộc bạn cứ chạy mãi về tương lai mà không biết sự sống là gì
nữa. Bạn sẽ đánh mất sự liên hệ với sự sống. Bạn không thể sống. Tôi đề
nghị bạn hãy thiết lập trở lại thái độ sống của mình, một mũi tên chỉ
cần bắn trúng một con chim thôi thay vì muốn cả hai con.
Khi bạn
đắm chìm vào những lạc thú đam mê để không còn biết mình thực sự là ai
và đang làm gì, dù lúc ấy bạn không bị quá khứ và tương lai lôi cuốn,
thì đó cũng không phải là thái độ đang sống hết lòng trong giây phút
hiện tại. Sống trong hiện tại là sống tỉnh táo, sự sống phải được nuôi
dưỡng bằng năng lượng thiền. Thiền đang có sẵn trong tâm bạn ở dạng hạt
giống. Bạn hãy khôn ngoan chọn cho mình môi trường thích hợp để có thể
tưới tẩm vào hạt giống quý báu đó mỗi ngày, giúp nó sớm trổ hoa và kết
thành trái chín. Khi thiền trở thành nguồn năng lượng dồi dào thì bạn sẽ
thấy cuộc đời này rất mầu nhiệm và đứng nơi nào bạn cũng thấy thật bình
yên.
Này bạn! Khi bạn không có mặt thì sự sống cũng không có
mặt. Chỉ khi nào bạn nhận biết mình đang có mặt hoàn toàn trong giây
phút hiện tại thì đối tượng kia mới thực sự có mặt với bạn. Thí dụ khi
ngồi chơi với một em bé mà bạn đánh mất sự tỉnh thức, tâm ý bị kẹt vào
một đối tượng nào khác, thì lúc đó em bé không cảm nhận được sự có mặt
mầu nhiệm của bạn và cả bạn cũng không thấy được sự có mặt ngọt ngào của
em bé. Có mặt bao giờ cũng là sự có mặt cả chủ thể lẫn đối tượng như
một cặp song song tồn tại.
Khi bạn đánh mất sự có mặt đích thực
của mình thì sự sống sẽ biến khỏi bạn. Những người trẻ khi yêu thì họ
dễ bị kẹt cứng vào trong đó, họ coi tình yêu là nhất trên đời và mọi thứ
xung quanh dường như không có liên can gì tới họ nữa. Tình yêu càng
mãnh liệt thì càng mất thăng bằng, họ luôn ở trong tình trạng lúng túng
và quờ quạng như sắp ngã nhào. Cụ Nguyễn Du có những vần thơ rất hay để
diễn tả tâm trạng của người đang yêu mà đánh mất sự sống:
Đã mang lấy một chữ tình
Khư khư mình buộc lấy mình vào trong
Vậy nên những chốn thong dong
Ở không yên ổn, ngồi không vững vàng
Ma đưa lối, quỷ đưa đàng
Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi
Bạn
không bị kẹt vào chữ “tình”, mà kẹt vào chữ “tiền” hay chữ “quyền” thì
cũng không thể nhận biết được giá trị đích thực của sự sống. Bạn vẫn cứ
đinh ninh rằng chỉ cần mỗi đối tượng mà bạn theo đuổi thôi thì bạn có
thể sống rồi. Nhưng coi chừng lầm. Chính những đối tượng trong xa vời
đó lại làm cho bạn không thể sống được, chúng luôn chi phối và điều
khiển bạn. Chung quanh bạn có rất nhiều điều kiện thuận lợi của hạnh
phúc mà rất nhiều người thầm ước, còn bạn lại không thừa hưởng được.
Cuối cùng bạn không thể chủ động được cuộc đời mình, những đam mê dại
dột trong lòng đã đưa đẩy bạn vào chốn đoạn trường thương đau.
Sau
một lần thất bại sâu cay bạn thường dễ nghiệm ra được giá trị của cuộc
sống. Bạn sẽ có thái độ sống chậm lại, thậm chí như muốn dừng lại để
quan sát mọi thứ đang hiệu hữu mầu nhiệm chung quanh mình, thay vì trước
đây lúc nào cũng thấy thoáng qua mà thôi. Khi bắt đầu nhìn kỹ vào từng
đối tượng thân quen ấy, bạn bỗng rùng mình vì thấy họ là một phần tất
yếu của cuộc đời mình vậy mà mình luôn ở bên họ như một bóng ma. May mắn
là họ vẫn còn có mặt đó, một tặng phẩm lớn lao của đất trời.
Khi
tư duy nếu bạn không giữ vững sự nhận biết liên tục thì rất dễ chìm đắm
trong dòng tư duy mà không thấu đáo được vấn đề gì. Thật ra tư duy cũng
quan trọng, nhưng phần lớn những tư duy của ta đều vô ích. Nó như một
thói quen mãnh liệt không cưỡng lại được. Nhưng bận tư duy rồi thì làm
sao sống? Khi nâng tách trà lên mà bạn vẫn tư duy thì bạn nâng tư duy
chứ đâu có thực sự nâng tách trà. Tư duy có thể trở thành một chướng
ngại khiến cho bạn không thể có mặt để tiếp xúc với sự sống. Vì vậy càng
bớt tư duy thì bạn càng có nhiều cơ hội để nắm lấy sự sống.
Này
bạn! Nếu bạn vẫn quan niệm rằng ráng chịu cựu chịu khổ làm xong dự án
này rồi được nghỉ ngơi thì tôi chắc rằng bạn không thể nào có mặt đích
thực với công việc đó. Bạn sẽ luôn nghĩ tới cái hạnh phúc được nghỉ ngơi
hay một dự án mới. Như vậy bạn sẽ không mấy hứng thú với công việc
hiện tại của mình. Bạn không thể sống trọn vẹn trong khi giải quyết công
việc thì bạn sẽ trở nên nôn nóng, căng thẳng và mệt mỏi. Thái độ đó sẽ
đốt cháy rất nhiều năng lượng trong bạn.
Trái lại nếu bạn ý thức
rằng bất cứ công việc nào cũng quan trọng vì bạn có thể chứng nghiệm sự
sống ngay trong công việc đó thì bạn sẽ có thái độ chấp nhận nó. Khi
bạn trở nên hòa điệu và yêu thích công việc thì năng lượng không những
không bị tiêu phí mà còn được tích tụ. Bạn sẽ không còn tìm cách thoát
nữa. Mà thoát đi đâu kia chứ khi chính thái độ sống của bạn đã làm cho
bạn đuối sức chứ không hẳn tại vì công việc khó nhọc.
Đem cực mà đổ lên non
Cong lưng mà chạy cực còn chạy theo.
Như
vậy làm việc gì cũng có hai cách. Một cách là làm việc này mà suy nghĩ
đến việc khác với những căng thẳng, lo âu. Một cách là làm việc nào chỉ
biết việc đó với sự thong thả, thảnh thơi. Cách thứ hai tuy làm được ít
việc hơn nhưng có phẩm chất hơn, tiết kiệm năng lượng cho bạn nhiều hơn
và làm cho bạn thấy mình đang thực sự sống hơn.
Khi bạn có mặt
trong ý thức sáng tỏ thì không chỉ bạn được nuôi dưỡng mà đối tượng của
bạn cũng được nuôi dưỡng. Người kia sẽ thấy được an ủi và hạnh phúc khi
bạn thực sự đã có mặt với họ. Sống mà không được người chung quanh chú ý
là một niềm bất hạnh. Vậy mà bạn vẫn thường nhân danh sự bận rộn nên
không có đủ thời gian và năng lượng giành cho người thương của mình, để
họ khô héo dần trong mòn mỏi. Nhưng khi bạn quyết tâm sống sâu sắc trở
lại thì bạn sẽ nhanh chóng phát hiện ra tình trạng sầu héo và buồn khổ
của người đang sống bên mình. Ánh sáng của thiền sẽ giúp bạn nên nói gì
hay nên làm gì, hoặc không nên nói gì hay không nên làm gì để cho người
kia vơi bớt đau khổ và tươi tỉnh lại.
Sự có mặt đích thực cũng
có khả năng trị liệu. Nếu trong cơ thể và tâm hồn bạn có những khối đau
nhức thì khi bạn đặt sự chú tâm và ưu ái vào lập tức nó sẽ được thoa
dịu, nâng đỡ và thuyên giảm. Đặc biệt là bạn có thể chuyển năng lượng từ
những vùng lành mạnh trên cơ thể và tâm hồn đến những khối đang đau
nhức. Nó sẽ được chữa lành. Cơ thể và tâm hồn bạn có khả năng tự chữa
lành vết thương của mình nhưng với điều kiện là bạn phải buông bỏ những
nỗi lo lắng sợ hãi và trở về hết lòng chăm sóc. Khi một con thú bị trúng
thương thì nó tự biết phải rút về hang, giành hết thời gian và năng
lượng để nghỉ ngơi và liếm láp vết thương. Nó phải nhịn đói trong suốt
thời gian chữa trị, nếu không, vết thương của nó sẽ không thể lành và
còn nguy hại đến tính mạng.
Khi bạn có nhiều năng lượng lành
mạnh thì những khối đau nhức của người kia cũng được trị liệu. Tại vì
năng lượng có thể được chuyển tải từ người này sang người khác mà không
bị giới hạn bởi không gian hay thời gian, chỉ cần bạn hướng sự nhận biết
mạnh mẽ vào đối tượng đó. Có phải đôi khi ngồi gần một ai đó bạn cảm
thấy an ổn và được che chở, cũng có lúc ngồi bên một người nhưng bạn lại
thấy xáo trộn và mất mát không? Hãy để cho người thương của bạn thích
được ngồi lâu với bạn nhé.
Ngày sau sẽ ra sao
Bây giờ ai biết được
Phút hiện tại nhiệm mầu
Hết lòng với nhau trước
Thích Minh Niệm