Chúng ta hiện sống một cuộc đời đầy sợ hãi: sợ chết, sợ tội, sợ bệnh, sợ nghèo, sợ khổ, sợ dốt, sợ chiến tranh, sợ dư luận... còn rất nhiều thứ sợ không thể kể ra cho hết.
Hình minh họa
Mọi người đều mong được
thoát ra khỏi những sự sợ hãi đang trực tiếp đe dọa đời sống, nhưng có
mấy ai thoát được. Vừa hết cơn sợ này thì cái sợ kia đã đến, và còn
nhiều cái sợ khác thường xuyên ám ảnh. Vì sợ bệnh nên phải giữ vệ sinh
và phải uống thuốc, vì sợ nghèo khổ nên phải làm việc khó nhọc, vì sợ
dốt nên phải học hành chăm chỉ, vì sợ chiến tranh nên phải củng cố sức
mạnh đoàn kết kiến tạo hòa bình, vị sợ dư luận nên phải sống cho đúng
khuôn mẫu, đúng với luân lý đạo đức, vì sợ tội nên việc làm phải đúng
với luật của thế gian cũng như luật thiên nhiên, vì sợ chết nên phải quý
mến và bảo vệ đời sống, vì sợ thất bại nên phải cố gắng thành công, vì
sợ điều ác mà phải làm điều thiện.
Tóm lại, chúng ta chỉ
tìm cách giải quyết sự sợ hãi bằng những phương pháp hời hợt bề ngoài để
tránh những hậu quả tai hại, mà không chịu tìm hiểu nguyên nhân của sự
sợ hãi và không chịu tìm cách đối phó diệt trừ sự sợ hãi ngay từ chỗ
khởi nguyên.
Chúng ta thường sợ mất
những cái gì mà chúng ta đã có hoặc sợ không có được những cái gì mà
chúng ta mong cầu: của cải, ruộng vườn, nhà cửa; chúng ta phải biết rằng
những vật đó không thường còn, lúc này thuộc của ta, lúc khác về người
khác, hoặc bị tiêu tan vì chiến tranh hoặc thiên tai; nếu nghĩ cho kỹ
thì biết thân ta cũng chẳng ra gì, chỉ là cái túi da bọc những vật nhơ
uế bất tịnh, chính ta cũng chẳng làm chủ được cái thân ta, nay ốm mai
đau; thân ta do tứ đại hòa hợp mà thành, hết duyên thì lại tan rã, thân
ta chẳng có tự thể, nó vô ngã, thì những vật ngoài thân có gì đáng quý
chuộng đâu, mất còn chẳng tiếc. Họa phúc ở đời đều do nghiệp nhân gây
ra, làm lành gặp lành, làm ác gặp ác, luật nhân quả vay trả không sai,
biết vậy thì không còn sợ hãi gì nữa, gặp cảnh ngộ nào tâm cũng được an
định, dù đắc dù thất, dù mất dù còn, dù khổ hay sướng, chúng ta cũng
bình tâm, thản nhiên chịu đựng, không còn sợ hãi vẩn vơ nữa.
Chúng ta sợ dư luận, sợ
mất danh dự chăng? Hãy suy gẫm sâu xa thì thấy chúng ta chẳng là gì cả;
tên tuổi, chức tước, danh vọng, tiền của ... chỉ là những tấm bình phong
dùng để che đậy cái vô giá trị của thân tứ đại rỗng tuếch; lời khen,
tiếng chê cũng chẳng làm tăng hay giảm cái rỗng không đó, hoặc chúng ta
cố gắng tránh né để thoát ra ngoài cái rỗng không đó bằng trăm phương
nghìn cách, cái rỗng không đó vẫn hiện hữu, không tăng không giảm; và
chỉ khi nào chúng ta trực nhận được chính chúng ta là cái rỗng không đó,
không còn phân biệt năng sở, thì sự sợ hãi tự nhiên không còn, tâm thức
vắng lặng, chân trí hiển hiện.
Vì đâu mà có sự sợ
hãi? Sự sợ hãi phát xuất và hiện hữu vì chúng ta không hiểu chúng ta, vì
con người không tự hiểu mình. Rồi chúng ta lại không chịu tìm hiểu mối
tương quan giữa những con người với nhau, và giữa con người và vạn vật
trong vũ trụ.
Muốn tự hiểu mình,
chúng ta hãy suy gẫm lời Phật dạy: Con người cũng như vạn vật danh sắc
(nama rupa) hợp thành, do nhân duyên sinh khởi, chịu sự chi phối của
luật vô thường, tất cả đều vô ngã. Vô ngã là không có cái ta trường tồn
bất biến, không có chủ thể, không có linh hồn bất diệt. Cái ta đã không
thì những vật của ta (ngã sở) cũng không luôn, những ý niệm về của cải,
danh lợi... nhờ đó mà tiêu tan, không còn ràng buộc con người trong vòng
nô lệ nữa. Cái ta riêng biệt đã không thì tất cả đều dính chùm với
nhau, liên quan với nhau; không những con người có liên quan với tất cả
vạn vật trong vũ trụ; tất cả đều cùng chung một nguồn gốc, một bản thể.
Một khi đã hiểu và nắm
vững lý Vô Ngã thì chúng ta giải quyết dễ dàng mọi sự sợ hãi; hơn nữa sự
sợ hãi vốn không có thật thì việc gì phải e ngại và chống đối. Khi
chúng ta sợ, chúng ta nhận là cái ta đang bị đe dọa, có một cái ta là
chủ (năng) và cái đe dọa là đối tượng (sở). Cái ta phải chống cự, chiến
thắng, hoặc tránh né đầu hàng sự đe dọa đó. Nếu nhận được cái ta là
không thì sự tương quan năng sở tiêu tan, làm gì còn sự sợ hãi nào nữa.
Sự sợ hãi chỉ hiện hữu khi nào chúng ta không cảm thông với mọi sự kiện
xảy ra; còn khi đã đối diện với một sự kiện nào đó, chúng ta nhìn thẳng
vào nó, không tránh né, không suy luận, mà quán sát, phân tích, tìm
hiểu, thì lúc đó những ảo ảnh của tâm thức đang che đậy sự thật sẽ tan
biến, chân lý hiện bày và sự sợ hãi không còn nữa.
Chính những ý kiến, ý
tưởng, kinh nghiệm, kiến thức của chúng ta, chính tâm ta đã tạo ra sự sợ
hãi. Vì một niệm bất giác nổi lên che lấp chân tâm nên vọng thức phân
biệt có ta và những cái không phải ta (năng sở), rồi diễn đạt sự kiện
thành ngôn từ, đặt tên cho mọi sự mọi vật, rồi phán đoán là đúng hay
sai, thiện hay ác, sướng hay khổ, tốt hay xấu... từ chỗ đó phát sinh ra
mọi điều tranh chấp, và kết quả là chúng ta gánh chịu những chấp trước,
mang nặng những sợ hãi thường xuyên đe dọa đời sống con người. Nếu sự sợ
hãi do tậm tạo thì chính cũng nhờ cái tâm đó mà chúng ta phá trù sự sợ
hãi. Chúng ta lắng tâm suy nghĩ, can đảm nhìn thẳng vào sự thật, ngược
dòng thời gian và không gian, phăng lần ra gốc rễ của sự sợ hãi, rồi
dùng gươm trí tuệ mà chặt đứt lưới vô minh, thấu hiểu lý Vô Ngã, thì
chúng ta sẽ thấy sự sợ hãi không thật có, nó chỉ là sản phẩm của vọng
thức mà thôi.
Chúng ta chỉ được hoàn
toàn tự do thoát khỏi sự sợ hãi khi nào biến đổi vọng thức thành chân
trí có khả năng trực nhận chân lý mà không cần phải diễn dịch sự kiện,
không cần phải đặt tên hay dán nhãn hiệu cho sự kiện đó. Việc này thật
là khó vì chúng ta có thói quen đặt tên cho mỗi vật, rồi dựa vào ký ức
để phán đoán là đẹp hay xấu, lành hay dữ. Chúng ta hãy cố gắng tập nhìn
thẳng vào sự vật mà không phán đoán, không đánh giá, không suy luận bằng
vọng thức, mà phải dùng chân trí thâm nhập vào bản thể của sự vật, thì
lúc đó mới không còn sợ hãi nữa: mà muốn hiểu mọi vật, hãy tự biết mình
trước đã. Chúng ta chỉ có thể chấm dứt được mọi sự sợ hãi khi mình tự
biết mình. Đó là khởi điểm của sự sáng suốt, sự bừng tỉnh đưa đến chỗ
Đại-Ngộ mà Thái-Tử Tất-Đạt-Đa đã chứng được dưới cội Bồ-Đề, sáng sớm
ngày Thành Đạo.
Chúng ta đều có Phật
tánh, đều có khả năng thành Phật, chúng ta hãy nắm vững lý Vô Ngã, sống
trong lý Vô Ngã, thoát ra khỏi mọi sợ hãi vô minh, thì chúng ta đã được
giải thoát hiện tiền, sống trong cảnh an vui tự tại./.
Minh Lạc (Tc Từ Quang, số 194-195, năm 1968)