Mỉm cười, đó là sự biểu hiện của một niềm vui, của sự thực tập an lạc, chánh niệm, sự trở về với hiện tại nhiệm mầu. Khóc là sự biểu hiện của mất mát, khổ đau, uất ức… Và những sự biểu hiện ấy cũng có thể vì lý do ngược lại: cười khi đau khổ quá, không thể khóc, cười khinh bỉ; và khóc vì hạnh phúc!
Để hiểu những biểu hiện ấy ta không
chỉ nhìn nội dung mà phải nhìn sâu vào bản chất của sự việc. Nó xuất
phát và nhằm mục đích gì? Bản chất chỉ có một nhưng nội dung có thể
nhiều. Ví dụ, vì tình thương mà người ta la mắng, đánh (răn đe) một
người và cũng có thể vì thương mà dỗ dành, nâng niu. Sự biểu hiện của
những ứng xử ấy được pha trộn hoặc áp dụng tùy hoàn cảnh, tùy tâm tính
của từng người, từng việc với mục đích duy nhất: muốn tốt cho người kia.
Giống như nước, nước có thể biểu hiện thành hơi nước, thành mây, thành
mưa, thành đá… Tuỳ điều kiện cụ thể mà nước sẽ hoá hiện ra những dạng
khác nhau, song dù là gì thì nó cũng mang bản chất chung của nước mà
thôi.
Tình yêu cũng vậy! Con người ta có thể
bắt đầu nó bằng sự nồng nhiệt, sống với nó với những quan tâm giản dị,
và kết thúc nó bằng một sự tôn trọng! Đôi khi vì yêu, vì thương mà người
ta chia tay, để thôi làm khổ nhau. Tình yêu (đúng nghĩa) sẽ mang đến
hạnh phúc cho nhau. Nếu tình yêu mà bó buộc, chiếm hữu, nghi kỵ, không
tin, không lắng nghe… thì sẽ làm khổ nhau. Tình yêu đôi lứa thường lấy
đi nước mắt của nhiều người, đôi khi vì quá yêu mà họ làm khổ nhau, làm
khổ chính mình. Yêu, đôi lúc chỉ cần biết người kia đang bình an là mình
cũng hạnh phúc rồi. Bình an do mình tạo, bình an khi mình biết tôn
trọng và biết quay về với hơi thở chánh niệm…
Cuộc sống vô thường. Vậy mà chúng ta
chưa thật sống với cái vô thường ấy dù có lúc cũng nhận ra. Chấp vào
ngày hôm qua, chấp vào những biểu hiện của hôm qua để rồi quên mất hiện
tại mình đang có gì. Mà thực ra hiện tại luôn ẩn tàng một phần của hôm
qua, mà họ có thấy đâu? Vì không thấy nên tưởng là hôm qua đi đâu mất,
và đau khổ vì cái chấp ấy. Giống như người thấy ly nước hôm nay và ngày
mai ly nước bốc hơi thì bảo ly nước không còn? Nó vẫn còn đấy chứ, còn ở
dạng khác: biểu hiện thành hơi nước!
Yêu và không cảm nhận được tâm chân
thật của người mình thương, người yêu của mình thì đương nhiên sẽ xảy ra
những so sánh, hờn trách, buộc tội bởi “tri giác sai lầm” rằng người
kia không còn là họ nữa. Không thấy sự biểu hiện nên mới nghĩ họ đã
không ở đó, nhưng họ vẫn còn đó, còn ở một dạng biểu hiện khác mà thôi.
Ta còn đó cho em, và nếu em hiểu thì em vẫn còn đó cho ta. Nếu không
hiểu, không cảm thông được thì chính mình đẩy mình rời khỏi toạ độ của
người thương chứ không ai khác…
Lưu Đình Long