Những gì là của ta và những gì thuộc về ta? - TT. Thích Như Điển
Sống trên đời nầy, ai sinh ra rồi cũng phải có bổn phận, trách nhiệm và quyền lợi đối với chính bản thân mình và đối với cộng đồng xã hội và từ đó luật pháp được đặt ra để bảo vệ cho những quyền lợi và trách nhiệm đó. Nếu người nào vi phạm, tức có luật pháp là cán cân dùng để giải quyết mọi việc trong cuộc đời. Đó là đứng về phương diện tương đối của thế gian; nhưng điều nầy vẫn còn nhiều kẻ hở.
Riêng
phương diện xuất thế gian và cái nhìn của đạo Phật bằng quan điểm: Tứ
đại giai không thì giải thích những hiện tượng có và không, còn và mất,
được và thua, khen và chê, đúng và sai như thế nào đây?
Từ “tứ đại giai không” có nghĩa là: bốn chất lớn đều không. Bốn chất lớn ấy là gì? Đó là đất,
nước, gió, lữa. Đất từ đâu mà có? Ai sinh ra đất? Rồi đất ấy sẽ đi về
đâu? - Cho đến bây giờ thật ra chưa có ai trả lời được câu hỏi nầy cả.
Ta chỉ biết khi ta sinh ra thì quả đất nầy đã có rồi. Mặt trời, mặt
trăng và sao mai kia cũng thế. Vậy hỏi làm chi những chuyện xa xôi ấy?
Nhưng chính vì không hỏi nên mới sinh ra một sự chấp trước rất dễ dàng,
nhất là khi mình tự cho rằng điều ấy đúng với mình.
Ta
thấy từ đất đã mọc lên cây cỏ. Từ đất đã chứa cho ta không biết bao
nhiêu là của quý như: vàng, bạc, kim cương, dầu lữa, quặng mỏ, thiết chì
v.v... Từ lòng đất cũng là nơi cư trú của mọi loài côn tùng từ những
loài sanh ra bằng trứng, những loài sanh ra bằng thai, những loài hóa
sanh và những loài sanh ra chỗ ẩm thấp. Hoa nở thật đẹp cũng nhờ phân
bón tốt. Khi hoa tàn rồi lại gởi xác mình vào lòng đất. Con người cũng
thế, khi sinh ra cha mẹ mình cũng đặt mình lên mặt đất sau khi mở mắt
chào đời. Rồi càng ngày càng lớn khôn, những bước chân đi đầu tiên của
ta đã chập chững trên mặt đất rồi té xuống đất. Để rồi khi lớn lên, biết
bao nhiêu sự thử thách cam go trong cuộc sống, đã làm cho ta vấp ngã và
té xuống đất. Rồi cũng từ đất ta chống tay đứng dậy, để lăm xả vào đời,
chiến đấu với không biết bao nhiêu là sự cám dỗ đổi thay. Rồi một ngày
nào đó ta phải buông xuôi hai tay vể nơi chín suối. Ấy cũng là lúc tấm
thân nầy đem gởi xác ra ngoài đồng không mông quạnh. Làm phân bón cho cỏ
cây, rồi cỏ cây cũng từ đó đâm chồi, nẩy lộc, sinh hoa, kết trái.
Còn
nước thì sao? Nước từ đâu đến? Nước đi về đâu? - Ở đây chẳng ai có thẩm
quyền để trả lời rằng: mây có trước hay nước có trước, cái nào tạo ta
cái nào. Khi khai thiên lập địa thì nước từ đâu mà có?, v.v.. và v.v..
sao mà rắc rối thế? Mỗi lần ta uống nước, đâu có bao giờ ta phải bận tâm
đến việc ấy đâu. Miễn là có tiền tài đi mua nước về mà uống chứ! Đó là
cách lập luận nhị nguyên của mọi người. Vì cái nầy có cho nên cái kia
có. Cái nầy sinh ra cái kia. Nếu cái nầy không có thì cái kia không có.
Nhưng câu trả lời như thế nó vẫn chưa giải quyết được vấn đề. Bình
thường khi uống nước ta đâu có bao giờ để ý; nhưng rủi một hôm nào đó đi
khám Bác Sĩ và Bác Sĩ bảo rằng: Ông Bà mỗi ngày phải uống cho đủ hai
lít đó. Lúc ấy mới đo lường, cân tính. Cố nhồi nhét cho đủ số lượng vào
cơ thể của mình. Lúc ấy mình mới thấy nước cũng cần thiết đấy chứ!
Còn
gió thì sao? Ai mang gió đến vậy? Gió từ đâu đến? Và gió đi về đâu? -
Không biết rằng ông thần gió có khả năng trả lời hết tất cả những câu
hỏi nầy hay không, chứ con người bình thường như chúng ta phải chịu
thua. Nhưng chúng ta phải công nhận một điều là không có gió thì chúng
ta cũng khó sống lắm đấy. Đặt biệt là hơi thở. Đâu có khi nào ta quan
tâm đến nó. Từ khi sanh ra cho đến lúc trưởng thành rồi già, bịnh chết.
Có ai đó siêng năng ngồi đếm thử ta đã thở được bao nhiêu lần rồi chăng?
Nhưng khi bệnh ta thấy nhiều người khó thở là chiến đấu với tử thần
trong từng gang tấc. Lúc ấy người bệnh kia và ngay cả chính mình cũng
cảm thấy rằng gió hay hơi thở quả là cần thiết nhỉ? Phải làm gì để ta
bảo vệ cho gió và khi ta mời gọi gió có ở lại ta chăng?
Lửa!
Lửa là gì nhỉ? Tại sao có lửa? Lửa tử đâu sinh ra? Và ai sinh ra lửa?
Có phải là trong cây có lửa hay lửa đốt thân cây? Thật là rắc rối. Không
biết bao nhiêu là câu hỏi; nhưng làm sao trả lời cho hết đây. Thời buổi
nầy cái gì cũng hiện đại hóa, không cần đi đâu xa, ở trong nhà chỉ cần
bật gas lên là có lửa; nhưng người xưa để có lửa đâu phải đơn giản như
vậy. Họ phải mang hai cục đá cọ xát vào nhau, hoặc giả lấy cây gổ nhọn,
xoay vào thân cây gổ khác thì lửa mới sinh ra và từ đó họ mới có lửa để
nấu ăn hoặc đốt rừng v.v... nhưng lửa ấy sẽ đi về đâu? Toàn là những câu
hỏi gì mà khó trả lời vậy.
Có
lẽ vì khó như vậy đức Phật chẳng muốn giải thích làm gì cho rắt rối
thêm nữa. Mà nếu có giải thích đi chăng nữa liệu có chịu hiểu cho chăng?
Hay lại cứ thắc mắc hoài. Do vậy mà Phật đã nói rằng: Tứ đại giai không
là đúng nhất. Nghĩa là không từ đâu đến và chẳng đi về đâu. Nghĩa là ở
đâu đó khi cần là nó xuất hiện. Vì trong cái nầy nó có cái kia, trong
cái kia nó có cái nọ. Cái mà ta đang mang trên người đây nó chỉ là một
sự vai mượn mà thôi. Nếu một trong bốn chất ấy không còn đứng vững nữa
thì thân cát bụi nầy sẽ trả về cho cát bụi. Vậy thì cái gì là của ta
đâu? Cái đầu nầy là của ta? Cái tay? Cái chân? Cái hàm răng? Cái sự suy
nghĩ? Thật ra chẳng có cái nào là chủ tể cả. Tất cả chỉ là những sự vai
mượn mà thôi. Chỉ là vai mượn; nhưng lâu nay mình nghĩ là của chính
mình. Do vậy mình muốn tất cả điều phải thuộc về mình. Ví dụ như tiền ấy
phải là của mình. Người đẹp ấy phải là của mình, hột xoàn ấy là của
mình. Đây là cái xe, cái tủ lạnh v.v... tất cả là của mình và thuộc về
mình. Nếu nó không thuộc về mình thì mình phải cố gắng tranh đấu làm sao
cho nó thuộc về mình bằng bất cứ giá nào. Miễn sao ta phải làm chủ cho
được nó mới thôi. Nhưng khi làm chủ được nó rồi thì sao? Vàng kia vẫn là
vàng, ngọc kia vẫn là ngọc, chứ ngọc đâu phải là mình, mình đâu phải là
ngọc, vậy thì mình là ai đây mình là cái gì? Mình là ông Kỷ Sư, bà Bác
Sĩ, ông Tổng Thống hay Bà Hoàng Hậu. Sau khi chết rồi thì sao nữa v.v...
thật là những câu hỏi quá rắc rối. Nhưng trong cuộc sống bình thường
mấy ai tự đặt ra. Vì còn mạnh khỏe là còn lao đầu vào những danh, lợi,
tiền, tình ấy để chiến đấu cho đã. Thế mà lúc cận tử nghiệp léo đến thì
mới sực nhớ ra rằng: Aha! Có một lúc nào đó bên tai thoang thoảng có
nghe rằng cuộc đời nầy là vô thường thế gian nầy là giả hợp... Bây giờ
đã thấm rồi đó, đã rõ lắm rồi nhưng làm sao ngượng ngồi dậy được đây để
chiêm nghiệm về sự vô thường đó. Ta muốn làm một cái gì đó cho thật ý
nghĩa như lạy Phật một lạy, làm một chút phước để cứu người nghèo chẳng
hạn; nhưng ôi thôi đã quá trễ rồi.
Vậy
thì cái gì sẽ còn lại sau khi những thứ kia biến mất đi hoặc thay hình
đổi dạng? Còn chứ! Đó là những việc làm, những hành vi tạo tác thiện hay
ác, lành hay dữ ở đời nầy hay đời trước, tuy mình không thấy nhưng
những gì mình đã vai, bây giờ phải trả đấy. Thế là thần thức chơi vơi
nơi cõi không người. Biết nương tựa vào ai đây? Bình thường vốn ta chẳng
quan tâm đến điều ấy và ta nghĩ rằng nghiệp đấy là của ai kia chứ, đâu
phải là của ta. Vậy thì bây giờ phải làm sao đây?
Phật ở đâu? Bồ Tát ở đâu? Lúc ấy mà còn nhớ được Phật và Bồ Tát hẳn là
điều quý lắm. Chỉ có sợ đầu trâu mặt ngựa đến trước mặt liền để dẫn đi
vào cõi Địa Ngục và đâu còn có cái Tâm sáng suốt bình thường để nghĩ tới
Phật được?
Bình thường ai khuyên ta niệm Phật, ta bảo còn sớm lắm. Để tôi lo cho
gia đình, con cái, cháu chắt xong sẽ niệm chứ đâu có vội gì! Nhưng nếu
bình thường không niệm Phật để trở thành thói quen thì khi tử thần đến
gọi chỉ nhớ đến tiền của, con cháu chắt, chứ làm sao nhớ đến câu Phật
hiệu được. Hãy nên tạo một thói quen để gieo vào tâm thức. Đó là câu
niệm Phật.
Phật dạy trong kinh Kim Cang rằng: “Nhứt thiết Pháp giai thị Phật
Pháp“, nghĩa là tất cả Pháp đều là Phật Pháp. Không cứ là pháp nầy hay
pháp kia. Pháp nọ hay hơn pháp ấy nhưng lỡ pháp nầy không hợp với ta thì
sao? Do vậy, mà hãy chấp nhận pháp nào mà mình cảm thấy thích hợp để
theo là quý rồi. Theo như thế để huân tập chủng tử lành và nếu có lâm
chung cũng có nơi chốn mà hướng về. Nếu không, tâm thần chỉ lơ lửng giữa
khoảng u u minh minh ấy thì không biết là phải nương tựa vào chốn nào.
Phật dạy tiếp trong kinh Kim Cang rằng: “Những lời ta dạy cũng giống như chiếc bè. Pháp đúng còn phải bỏ huống chi là pháp sai“ Thế nào là chiếc bè? Chiếc bè có nhiệm vụ đưa người qua sông hay nói xa
hơn là giáo pháp ấy có nhiệm vụ đưa người qua khỏi cảnh khổ tử sinh.
Khi qua sông rồi, thì nên quên chiếc bè ấy đi, đừng nhớ đến nó làm gì.
Vì nó chỉ là phương tiện chuyên chở mà thôi.
Thế nào là chánh pháp còn phải bỏ, huống chi phi pháp? Chánh Pháp là
những gì không thuộc về lời nói và sự đối đãi. Còn phi pháp là những gì
mà mình nói là của ta và những gì thuộc về ta đó. Tất cả phải bỏ hết thì
mới qua thuyền được chứ không sẽ chìm đấy.
Nếu vậy thì cuộc đời nó có cái ý nghĩa gì? Có chứ! Có cái tương đối của
nó trong thế gian nầy, mà chúng ta chỉ là khách trần qua lại mà thôi.
Do vậy, mà ca dao xứ Huế có câu rằng:
“Trăm năm trước thì ta chưa có.
Trăm năm sau có cũng như không
Cuộc đời sắc sắc không không
Trăm năm còn lại tấm lòng từ bi“
Rõ ràng là như vậy. Cuộc đời nầy dài lắm, lâu lắm rồi. Đâu phải là vì
co ta cho nên trời đất mới hiện hữu. Đâu phải vì có ta cho nên đất,
nước, gió, lửa, mới thành hình. Tật ra, ta nầy nó chảng là gì cả. Không
một mảy may gì có ý nghĩa đối với cuộc đời nầy. Trpong vô lượng vô biên
thế giới ấy, ta chưa bằng một hạt bụi mà. Có gì đâu để quan trọng hoá?
Rồi ta cũng phải ra đi một ngày nào đó thôi. Bởi vì cuộc đời nầy lúc
thế nầy lúc thế nọ, lúc có, lúc không, lúc còn, lúc mất. Nếu có còn thì
chỉ còn tấm lòng từ bi, tấm lòng nhân hậu đối với cuộc đời nầy mà thôi,
Chứ thật ra chẳng còn cái gì cả. Thế mà khi còn sống chúng ta đã tranh
danh đoạt lợi không biết mệt mõi. Chiến đấu để sống còn với hư danh, hảo
tướng ấy. Ai hiểu được điều nầy và ai sẽ là người lên thuyền để qua bờ
giác ngộ trước và từ luân hồi vào Tịnh Độ bao xa vậy? Thật sự ra thì nó
cũng chẳng xa mà cũng chẳng gần. Gần như trong gang tấc mà xa thì thật
là xa. Sự gần gũi ấy nó cũng giống như trái hồng từ lúc mới ra còn xanh,
ăn vào sẽ thấy chát, nhưng qua ngày tháng, qua sự xúc tác với ánh sáng
mặt trời, hồn kia thay hình đổi dạng, biến thể từ từ. Từ chỗ chát đi đến
chín muồi, ngọt lịm nơi môi. Tịnh độ hay luân hồi cũng chỉ thế thôi.
Tịnh Độ có trong Luân Hồi và từ trong Luân Hồi chuyển sang Tịnh Độ,
nhưng khi đã vào Tịnh Độ rời thì không chuyển lại Luân Hồi nữa. Ví như
trái hồng đã ngọt rồi thì không còn chứa vị chát nơi đó. Còn khi xa thì
xa bao nhiêu?
Cũng trong vòng sanh tử tử sanh ấy, chuyển từ loài nầy đến loài khác,
nếu chúng ta có duyên may gặp được Phật Pháp, như trái hồng kia gặp ánh
sáng mặt trời chiếu dọi, thì quả vị thành thục của Tịnh Độ đâu có xa - ở
trước mắt. Còn nếu chẳng may sinh vào chốn tam đồ, nơi không có ánh
sáng chân lý thì trái hồng kia vị chát ấy vẫn chưa biến đổi được, đôi
khi lúc còn non đã phải rời khỏi thân cây mẹ rồi, cứ thế và cứ thế tiếp
tục trong vòng trả vay vay trả ấy.
Như thế thì phải làm gì đây?
Dễ quá mà! phải tu và phải ý niệm được cuộc đời nầy là vô thường. Vì
mình không bỏ nó thì nó cũng sẽ bỏ mình như hơi thở, nước kia, lửa nọ,
đất nầy. Nó thật đơn giản. Điều quan trọng là ta phải ý thức những gì có
hình tướng và ngay cả những gì không có hình tướng trên cuộc đời nầy
thì chúng cũng chỉ là giả danh thôi chứ không phải là thực tướng và thực
tướng ấy phải tìm bên trong chứ không phải bên ngoài và tìm nơi chính
ta chứ không phải là ai xa lạ cả?
Nếu chúng ta tất cả đều hiểu lý duyên sanh về vô thường, khổ, vô ngã
thì làm sao bị đắm nhiễm mãi trong biển trần lao nầy được. Hãy buông xả
từ từ mọi sự đắm nhiễm và hãy xem tất cả chỉ là bọt bèo, giả tạm, không
có gì là chủ tể cả. Vậy tất cả chúng ta hãy mau mau niệm cầu Phật hiệu
Nam mô A Di Đà Phật để thành thục nơi chốn liên đài của cõi vô sanh.
TT. Thích Như Điển