Khi ý thức được giá trị hạnh phúc chỉ luôn có mặt trong thực tại, ta mới chấp nhận dừng lại cuộc dông ruỗi đi tìm kiếm và nắm bắt những gì thuộc về tương lai. Như ăn cơm mà cảm thấy ngon, ngắm bình hoa mà cảm thấy đẹp, ngồi bên người thương mà cảm thấy ấm áp là chứng tỏ tâm của ta đang an ổn, đang giữ được mức quân bình, đang ý thức rõ ràng những giá trị hạnh phúc mà mình đã từng nâng niu và gìn giữ. Mặc dù cuộc sống là luôn đi tới, ta cũng không ngừng vận động và sáng tạo, nhưng đó cũng vì nhu cầu thiết yếu để tồn tại, hoặc có thêm chút hương vị mới cho vui, hay đểgóp thêm bàn tay xây dựng cuộc đời, chứ những điều kiện của hạnh phúc thì ta đã có trong hiện tại rồi.
Tâm an cảnh sẽ an
Vấn đề là ta có nhìn ra chúng là
điều kiện của hạnh phúc hay không? Tại vì cũng có những lúc ta ăn cơm
không cảm thấy ngon, ngắm bình hoa không cảm thấy đẹp, ngồi bên người
thương không cảm thấy ấm áp, và ta hay có khuynh hướng đổ thừa tại thức
ăn, bình hoa hay người ấy, chứ ít khi nào ta chịu nhìn lại mình để thấy
tâm của mình đang có khó khăn, có thể nó đang rơi xuống một vị trí rất
thấp nên không còn khả năng quan sát hay nhận xét giá trị thực tại một
cách nhạy bén và đúng đắn nữa. Đó là tình trạng tâm bất an, đang bị
vướng kẹt hoặc bế tắc ở vùng nào đó trong tâm chứ không phải tại hoàn
cảnh.
Thông thường tâm ta gắn kết chặt chẽ với hoàn cảnh, dễ
bị tác động bởi hoàn cảnh, khi hoàn cảnh có xảy ra vấn đề gì thì tâm ta
đều bị lãnh đủ. Tại vì ta đặt quá nhiều niềm tin vào hoàn cảnh, ta cho
rằng ta chỉ thật sự hạnh phúc khi nắm bắt được cái này cái kia từ những
điều kiện thuận lợi bên ngoài. Giờ phút nào ta chưa toại nguyện, hoàn
cảnh xảy ra hoàn toàn trái ngược với những mong cầu thì tâm ta không thể
nào an được. Cho nên ta thường mơ hồ về bản chất của hạnh phúc, không
biết nó có thật hay chỉ là một thứ ảo ảnh, vì nó cứ chợt gần chợt xa,
chợt hiện chợt ẩn, chợt có chợt không. Hạnh phúc mà còn bị điều kiện
hóa, còn lệ thuộc vào sự may rủi của hoàn cảnh, còn nằm trong sự ảnh
hưởng quá lớn của đối tượng khác thì hạnh phúc đó không thật sự là của
ta, ta không thể kiểm soát hay giữ nó mãi được.Tuy hạnh phúc ấy có thật
nhưng bản chất của nó là tạm bợ.
Mà làm sao ta có thể kiểm soát
được mọi hoàn cảnh, làm sao ta có thể bắt mọi thứ phải theo ý của mình
thì mình mới toại nguyện? Đó là một ý niệm rất ngây thơ, vì bất kỳ một
sự vật hay sự việc nào trong trời đất này đều xảy ra theo nguyên tắc của
duyên sinh và nhân quả, nghĩa là nó luôn nương tựa vào vô số điều kiện
bên ngoài và theo tiến trình có gây nhân thì phải nhận quả, mà tâm thức
chưa vượt tầm của con người sẽ không thể nào tiên đoán chính xác được.
Người xưa hay nói muốn thành tựu việc gì cũng phải dựa vào ba điều kiện
lớn: thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Thiên thời là năng lượng của vũ trụ
có sẵn sàng hiến tặng cho ta để cùng ta làm nên việc ấy hay không? Địa
lợi là tình trạng xã hội như kinh tế, văn hóa, an ninh chính trị… có
thích hợp để ta thực hiện kế hoạch to tát ấy không? Nhân hòa là mọi
người có chấp nhận và ủng hộ ta không, hay là chống đối?
Thiếu
một trong ba điều kiện đó thì ta không thể thành công được. Có khi những
điều kiện trong ta đã sẵn sàng rồi, tài năng và bản lĩnh có thừa, nhưng
điều kiện bên ngoài không thuận lợi thì ta cũng đành chịu. Và cũng có
khi điều kiện bên ngoài đã đầy đủ cho ta rồi nhưng chính trong ta lại
thiếu thốn, thiếu đức thiếu tài, thì cũng không thể làm nên sự việc,
hoặc thành tựu rồi thì lại sớm vỡ tan. Vậy mỗi khi ta đặt ra mong muốn
gì thì cũng phải biết nhìn trong nhìn ngoài cho cẩn thận. Cái mà ta có
thể kiểm soát được chỉ là chính ta thôi, còn hoàn cảnh thì ta phải dùng
tới hai chữ “hên xui”.
Nhiều khi trong cái xui nó lại chứa cái
hên, và nhiều khi trong cái hên nó lại mang theo cái xui. Điều này có
liên quan đến cách ta sử dụng những điều kiện hên xui ấy như thế nào,
nghĩa là chính năng lượng tốt hay xấu trong ta sẽ thích ứng và gắn kết
với điều kiện tốt hay xấu của hoàn cảnh hay của đất trời. Cho nên khi sự
việc bất thành thì ta đừng có lo lắng hay khổ tâm, đừng gắng gượng chạy
tìm mọi phương cách để thay đổi nó, vì ta sẽ không bao giờ làm được
hoặc nếu làm được thì cũng rất mong manh. Thái độ khôn ngoan nhất là hãy
trở về kiểm tra lại năng lượng của mình, mà năng lượng tốt hay xấu của
ta do chính tâm ta sản xuất ra, vậy thì, nuôi dưỡng và giữ gìn những
phẩm chất trong tâm quan trọng hơn là nắm bắt hoàn cảnh. Khi tâm an thì
cảnh sẽ an.
Như vậy trước nay những khi ta có được trạng thái
tâm an chính là do hoàn cảnh rất thuận lợi hay những người chung quanh
rất dễ thương với ta. Nói cách khác là ta được toại nguyện nên tâm không
còn khắc khoải mong cầu hay ray rức kháng cự điều gì nữa. Ta hoàn toàn
chấp nhận những gì mình đang có trong hiện tại. Nhưng một khi điều kiện
may mắn ấy không còn nữa, nó suy giảm hay thay đổi đột ngột, nên ta dễ
dàng hụt hẫng và trở thành nạn nhân của khổ đau. Vậy nên ta hãy thường
xuyên kiểm tra lại thực chất tâm an mà mình đang có, coi chừng nó đang
bị điều kiện hóa, nó không phải là của ta. Cũng như ta hãy nhìn lại tâm
bất an của mình, có phải nó đang bị hoàn cảnh tấn công hay không làm cho
ta thỏa mãn? Hãy tìm cách buông bỏ thái độ bám víu ấy đi. Nên nhớ cái
gì mà do hoàn cảnh đem tới là có thể thay đổi được, nó chỉ có giá trị
nhất thời mà thôi.
Tâm an cảnh sẽ an
Khi
tâm bình an thì những hạt giống tốt lành trong ta mới có cơ hội phát
triển. Tại vì thường ngày ta hay sống bằng cảm xúc, bằng những phản ứng
bảo vệ cái tôi ích kỷ của mình, nên nó che khuất những hiểu biết sâu sắc
mà ta vốn có. Khi mặt hồ tâm phẳng lặng và trong suốt thì ta mới thấy
hết những gì đang ẩn tàng trong chiều sâu tâm thức, lúc ấy ta mới biết
mình nên làm gì hay không nên làm gì để mình có thể chế xuất ra những
năng lượng tốt. Nói cách khác, lý trí là thuộc tính của tâm an và cảm
xúc là thuộc tính của tâm bất an. Nếu biết cách giữ cho tâm an thì ta sẽ
luôn hài lòng và sẵn sàng chịu trách nhiệm cho mọi hành vi cử chỉ của
mình. Và điều đó có nghĩa là khi tâm bất an thì ta đừng nên quyết định
hay làm bất cứ điều gì, chắc chắn ta sẽ hối tiếc sau này.
Khi
tâm an ta sẽ nhìn lại nhận vấn đề ở một tầng hiểu biết khác. Ta không
còn thấy sự việc bất thành hay đổ vỡ kia là điều quá kinh khủng, không
còn thấy thái độ khó chịu hay lầm lỗi của người kia là đáng phải trừng
phạt nữa. Cho nên khi tâm an thì ta không còn muốn thay đổi hoàn cảnh,
ta có một khả năng có thể chấp nhận mà không thấy khó khăn hay đau đớn
gì. Ta đã từng thấy có những người trông rất an ổn và vui vẻ, mặc dù
trong họ đang có những mất mát rất lớn lao. Không phải họ đang cố gắng
che đậy để trình diễn trước mọi người, mà chính nhận thức và dung lượng
trái tim của họ đã giúp họ ôm ấp được hoàn cảnh. Đó là những người không
đặt hạnh phúc của mình quá nhiều vào sự toại nguyện từ bên ngoài, nên
khi hoàn cảnh bất toại nguyện thì họ không bị dễ khổ đau.
Tổ
tiên ta đã từng nói “Tâm bình thế giới bình”. Khi tâm ta bình an thì
năng lượng đó sẽ lên đường để xâu kết với những năng lượng bình an khác
trong những con người khác hay trong vũ trụ này, nó có thể trở thành một
hiệu ứng dây chuyền nếu điều kiện đủ cho nó xảy ra. Và khi tâm an thì
ta nhìn đâu cũng thấy an, tuy đối tượng kia hay cả thế giới này còn
nhiều biến động và phiền toái, nhưng ta vẫn không bị dìm xuống hay khổ
đau theo, dù ta vẫn ý thức rất rõ tình trạng đang xảy ra và có ý chí
muốn giúp đỡ. Cho nên thái độ khôn ngoan của một người biết sống là ta
hãy luôn ưu tiên giữ gìn tâm bình an của mình, thà chịu để cho hoàn cảnh
hư hao chứ nhất định ta không rao bán linh hồn mình. Ai đã trải nghiệm
nhiều năm trong cuộc đời đều cũng thấm thía rằng chỉ có sự thanh thản và
bình an trong tâm hồn mới là khát khao lớn lao nhất của con người.
Trong
quá khứ ta đã từng sống thiếu tỉnh thức và hiểu biết, vì để nắm bắt
những nhu cầu hưởng thụ cao cấp từ vật chất đến sự công nhận của người
đời mà ta đã coi rẻ tâm hồn mình, đem tâm hồn mình ra cho hoàn cảnh hay
kẻ khác giày xéo. Ta sẵn sàng nổi giận, hờn ghen, nghi ngờ, kỳ thị, độc
tài, hơn thua và cả thù hận để có được cái này cái kia mà thực chất chỉ
là những thỏa mãn cảm xúc. Ta chưa bao giờ có cơ hội để nhìn kỹ lại tâm
mình, trừ phi bị thất bại hay mất mát chua cay, nhưng đó là những lần
quay về trong muộn màng và choáng ngộp với những đóng tàn tro. Kết quả
thường là buồn chán và tuyệt vọng chứ chưa bao giờ có một chương trình
thanh tịnh hóa tâm hồn cho nghiêm túc.
Thôi ta về đi, về thu xếp
lại những bề bộn trong tâm hồn, đừng tiếp tục lao tới phía trước để nắm
bắt hay chứng tỏ gì thêm nữa. Chỉ khi nào tâm hồn ta lắng dịu, không
còn những khắc khoải mong cầu hay chống đối, biết chấp nhận và thuận
theo hoàn cảnh, ý thức giữ tâm hơn là giữ cảnh, thì ta mới nếm được chất
liệu thảnh thơi và hạnh phúc chân thật. Nếu trong giai đoạn ban đầu rất
khó giữ tâm trước những hoàn cảnh trái ngang, ta hãy tạm thời tìm cho
mình một không gian đủ an ninh để tịnh dưỡng tâm hồn. Một con thú khi bị
trúng thương thì nó lập tức rút về hang để liếm láp vết thương vì nó
biết cơ thể nó có khả năng tự chữa trị, nếu nó không kềm chế nổi cơn
thèm khát mà tiếp tục ra ngoài săn mồi thì sẽ bị kẻ khác tấn công hay
chính vết thương ấy sẽ hủy diệt nó. Vì vậy biết lúc nào cần phải quay về
nuôi dưỡng hay chăm sóc tâm hồn mình, sẵn sàng rời xa những hào quang
hấp dẫn từ cuộc sống thì đó mới đích thực là kẻ trí.
Tùy thuận theo hoàn cảnh
Không buộc theo ý mình
Giữ tâm không giữ cảnh
Tâm bình cảnh cũng bình
Bài Mới Hôm Nay
Thích Minh Niệm