Tin Tức

  • Cơn giận

    Tâm của ta cũng giống như một mảnh đất (mind-field), có chứa đầy đủ các loại hạt giống tốt lẫn hạt giống xấu. Giận cũng là hạt giống mà ai cũng có. Khi ta vui vẻ, nói cười, tươi mát không có nghĩa là ta không có hạt giống giận, chỉ vì nó chưa phát hiện lên thôi. Nó đang nằm yên trong chiều sâu của lòng đất tâm, khi có một nguồn lực tác động vào thì nó mới bừng dậy. Nguồn lực đó thường đến từ bên ngoài như một hoàn cảnh bất như ý, hoặc một thái độ không dễ thương của ai đó. Ngoài ra, chính năng lực hoạt động của những hạt giống khác trong tâm thức như tưởng tượng, nghi ngờ, so đo, tiếc nuối, tuyệt vọng… cũng kích thích vào hạt giống giận, làm cho nó biến thành cơn giận.

     

     

    Cơn giận từ đâu tới?
     
    Ta biết rằng trong nhiễm thể (tức DNA) có mang theo tất cả những phẩm chất mà thế hệ phía trước đã gây tạo. Có thể vì chiến tranh mà ông bà của ta đã vô tình để cho những hạt giống giận hờn phát triển mạnh mẽ, rồi đến thế hệ cha mẹ lại quá bận rộn với mưu sinh nên không những không hạn chế được mà còn làm cho nó lớn mạnh thêm. Vì vậy khi tiếp nhận toàn bộ giá trị tinh thần qua nhiễm thể, ngoài những phẩm chất quý giá, ta còn phải gánh chịu luôn cả những khiếm khuyết, trong đó có năng lực giận hờn mà thế hệ phía trước chưa có cơ hội chuyển hóa.
     
    Nếu may mắn được lớn lên trong môi trường an lành, những nguồn tưới tẩm chung quanh mà đặc biệt nhất là sự chăm sóc của cha mẹ chứa đầy chất liệu hiểu biết và thương yêu thì coi như hạt giống giận hờn trong ta bị cô lập và yếu ớt. Còn lỡ phải rơi vào hoàn cảnh mà những người sống chung quanh luôn vung vãi những năng lượng bực tức, sợ hãi, kỳ thị, hận thù thì ta nghiễm nhiên trở thành người mang tánh khí giận hờn mạnh mẽ.
     
    Khi bước vào giai đoạn trưởng thành, tự định hướng đi trong cuộc đời thì ta lại có cơ hội thay đổi tánh khí của mình. Nếu ta vẫn nghiêng về phía tranh đấu với mưu sinh, giành hết thời gian và năng lực cho việc tìm kiếm những điều kiện tiện nghi hưởng thụ, bất chấp mọi phương cách làm tổn hại đến những phẩm chất quý giá trong tâm hồn, thì hạt giống giận hờn sẽ dễ dàng lớn mạnh. Trường hợp ta chọn cho mình lối sống giản đơn, nghề nghiệp có tính chất nuôi dưỡng tinh thần cao thượng, thì hạt giống giận hờn năm xưa sẽ mất dần khả năng ảnh hưởng.
     
    Ta còn có thể thay đổi một lần nữa nếu ta có khả năng điều phục chính mình. Dù hạt giống giận hờn lớn mạnh bởi di truyền hay hoàn cảnh, nhưng nếu ta có ý thức sâu sắc về tác hại của sự giận hờn có ảnh hưởng lớn lao đến đời sống bình an và hạnh phúc, thì thay vì lao vào công cuộc tích góp tiền bạc hay quyền thế ta lại giành nhiều thời gian và năng lực cho việc trao luyện tinh thần. Dù chưa có được những phương pháp hay để chuyển hóa tuyệt đối hạt giống giận hờn, nhưng dưới sự quan tâm đúng mức và những hiểu biết về cảm xúc của chính mình qua trải nghiệm, chắc chắn tính nóng giận của ta sẽ không còn mạnh mẽ và từ từ trở nên hiền hòa, tươi mát. Cho nên bản tính không hẳn khó dời.

    Cơn giận của chính ta
     
    Như vậy cơn giận là của chính ta chứ không phải do ai khác đem tới. Hoàn cảnh dù có bức ngặt như thế nào, người kia dù có đối xử tệ bạc như thế nào thì cũng chỉ đóng vai trò tác động thôi, ta mới chính là tác giả của cơn giận. Tại vì cùng một tình huống xảy ra nhưng người khác sẽ phản ứng không giống với ta. Họ có thể điềm tĩnh hơn, nhẹ nhàng hơn, bền bỉ hơn hay ít đau đớn hơn. Phản ứng khác biệt này tùy thuộc vào nhiều lý do.
     
    Thứ nhất là bản năng tự nhiên. Như đã nói, do tiếp nhận kinh nghiệm từ thế hệ phía trước nên bản năng luôn có khuynh hướng phản ứng mạnh mẽ khi gặp những điều bất như ý.  Nghĩa là trong nhận thức của ta đã có sẵn dữ liệu: khi người kia đem tới cho ta một cảm xúc xấu thì ta phải tìm mọi cách để trả lại cho họ một cảm xúc xấu tương ứng, hoặc là nhiều hơn thì ta mới hả dạ, mới cảm thấy tồn tại một cách an toàn. Do thừa hưởng di truyền này quá mạnh, ta lại không đủ khả năng để tự thay đổi năng lực giận hờn của chính mình nên bản năng đã lấn áp hoàn toàn kinh nghiệm do ta tích lũy.

     

    Thứ hai là thói quen tập dợt. Trong di truyền không mang nặng tính giận hờn, nhưng vì hoàn cảnh sống nào đó ta đã đem cơn giận ra để ứng phó mỗi ngày như cách thể hiện bản ngã, cho bên kia thấy rõ uy lực hay cả khổ đau của mình. Không ngờ cách sử dụng giận hờn như kiểu phương tiện đó đã vô tình tập dợt cho năng lực của nó ngày càng lớn mạnh.  Khi ấy không những sức tàn phá của nó tăng nhanh mà sự nhạy bén cũng nhảy vọt.  Thói quen giận hờn mới sẽ được thiết lập một cách mặc định trong tâm thức, bấy giờ kinh nghiệm mới tích lũy đã lấn áp bản năng. Chỉ trong một thời gian ngắn ta đã trở thành một con người khác, dễ giận dễ hờn, mà chính ta cũng không thể ngờ được.
     
    Thứ ba là tâm lý bế tắc. Thỉnh thoảng có vài cơn giận le lói trong tâm hồn, phải có sự tinh tế lắm thì ta mới nhận ra được. Do những tâm lý buồn tủi, chán chường, nghi ngờ, mặc cảm… âm thầm hoạt động và đã chạm tới hạt giống giận vốn đang nằm yên trong chiều sâu tâm thức.  Đó là tình trạng của những nỗi giận hờn vu vơ. Lâu dần nó kết tinh thành một khối nặng trĩu trong tâm hồn, danh từ chuyên môn gọi là nội kết. Khối nội kết này chi phối sâu sắc đến cách hành xử hằng ngày của ta, nhìn vào là có thể phát hiện ra ngay, nếu chọc tới thì nó sẽ nổ tung như một quả bom. Chỉ cần tháo gỡ được chỗ bế tắc tâm lý thì cơn giận sẽ dễ dàng tan biến, còn lỡ vô ý để luôn thì khối nội kết đó sẽ trở thành một loại ung thư của tâm hồn, dần dần hủy diệt hết nhựa sống.
     
    Thư tư là nhận thức sai lầm. Ta thường hay có thói quen phán đoán mà không chịu tìm hiểu sự thật. Trong trường hợp này hạt giống tưởng (perception) trong ta quá mạnh, khi nhận được một hình ảnh hay âm thanh nào tương tợ với những kinh nghiệm có sẵn trong kho tâm thức, nó lập tức phóng đại lên gấp nhiều lần để bản ngã tăng cường khả năng đề phòng và tranh đấu. Và hạt giống giận luôn là ứng cử viên sáng giá nhất của bản ngã.  Một khi cơn giận bao trùm hết tâm thức thì những năng lượng tốt đẹp khác không còn cơ hội để giúp bản ngã sáng suốt nhìn nhận lại vấn đề cho đúng với bản chất thực của nó.  Vì nhận thức thường hay sai lầm nên cơn giận cũng thường hay vô nghĩa.
     
    Thứ năm là khả năng chấp nhận. Khi tinh thần an ổn, năng lượng dồi dào, cộng với một hiểu biết sâu sắc về những nguyên tắc điệu hòa sự sống thì khả năng chấp nhận trong ta sẽ rất cao. Nghĩa là trái tim ta có một dung lượng rất khá, có thể chứa đựng được rất nhiều đối tượng khó khăn mà vẫn không đau khổ. Ta hãy nhìn những người trải nghiệm vững vàng trong cuộc đời, hoặc những người có tấm lòng lớn thì những cuộc tấn công lẻ tẻ bên ngoài không bao giờ làm cho họ nao núng hay thương tổn. Trái lại họ có thể ôm ấp những kẻ u mê dại khờ kia vào lòng và giúp họ thoát khỏi những kiến chấp sai lầm để bước lên con đường xán lạn.
     
    Như vậy khả năng chấp nhận mới là nguyên nhân chính khiến cho cơn giận hình thành và phát triển. Vậy thay vì tìm cách thay đổi hoàn cảnh, ta hãy quay về học cách mở rộng trái tim mình. Bởi thực tế ta không thể nào làm cho mọi hoàn cảnh hết khó khăn, nhưng ta có thể làm cho trái tim mình rộng mở đến mức không còn biên giới. Mức lớn nhất của trái tim là có thể ôm trọn cả vũ trụ bao la này. Nhưng ta phải nhớ rằng tình thương luôn gắn liền với hiểu biết, muốn có tình thương lớn thì phải có hiểu biết lớn.
     
    Hiệu ứng của cơn giận
     
    Tuy ta có tài năng để kiếm thật nhiều tiền hay làm cho người khác ngưỡng mộ, nhưng đối với cơn giận ta thường hay bất lực. Thậm chí ta còn chưa biết cơn giận là của chính mình thì làm sao ta có được kỹ năng điều phục nó. Mỗi lần lửa giận bốc cháy ta chỉ biết đuổi theo người kia để trả đũa, tại vì ta nghĩ làm như vậy ta mới hết giận. Nếu không túm được kẻ kia thì ta cũng sẽ tìm cách để tống năng lượng giận hờn ra ngoài, để cho nó thiêu rụi mọi thứ chung quanh thì ta mới hả dạ. Lần nào cũng như lần nấy, khi bị cảm xúc giận hờn khống chế ta như tê liệt hoàn toàn, cũng như em bé ba tuổi khi đói khát hay nóng bức thì chỉ biết khóc thét lên chứ không biết làm gì khác.
     
    Trong khi đuổi theo kẻ khác thì ngọn lửa giận vẫn tiếp tục đốt cháy thân và tâm ta. Dù ta có trừng phạt được kẻ kia, làm cho họ thật khổ sở và ta có cảm giác hài lòng thì sự thực chính ta vẫn là kẻ thiệt thòi nhất. Một cái giá rất đắc phải trả cho cơn giận mà ta không hề hay biết.  Khi hạt giống giận bị kích động, nó lập tức biến thành cơn giận bao trùm toàn bộ bề mặt ý thức và khống chế hết mọi suy tư. Năng lượng giận hờn không chỉ làm hư hại đến những năng lượng tốt đẹp đã được tích lũy lâu đời trong tâm thức, mà nó còn có thể hủy diệt luôn những hạt mầm đang chờ cơ hội phát triển.
     
    Một khi cơn giận xả ra ngoài qua hai cơ chế lời nói và hành động, nó sẽ được khuếch đại lên gấp bội lần. Sau đó nó kết hợp với vô số điều kiện thuận lợi khác nữa đang có sẵn trong môi trường lân cận thì nó mới chính thức trở thành một cơn bão cảm xúc. Nhà vật lý học Edward Lorenz đã phát biểu về hiệu ứng con bướm (the butterfly effect) “Mỗi cái vỗ cánh của con bướm ở Nhật Bản có thể tạo nên một cơn giông bão tại NewYork”. Năng lực vỗ cánh của con bướm tuy rất nhỏ, nhưng khi tác động vào một đối tượng khác cùng một tần số, với tính tương tác dây chuyền, nó sẽ tạo thành một chuỗi liên hoàn và xâu kết tất cả những đối tượng đó lại thành ra một hiệu ứng. Nghĩa là những điều kiện tạo thành một cơn bão đã có sẵn trong vũ trụ bao la này, nhưng phải nhờ một tác động nhỏ của cánh bướm nữa thì mới thành ra một hiệu ứng vĩ đại.
     
    Như vậy hiệu ứng của một cơn giận chắc chắn sẽ không nhỏ hơn hiệu ứng của con bướm. Có một điều quan trọng mà các nhà vật lý học Edward Lorenz đã quên phát biểu đó là chính con bướm cũng bị cơn bão kia tác động ngược lại. Khi cơn giận của ta bộc phát ra ngoài tức là ta đã gửi vào vũ trụ này một thông điệp, nó sẽ lập tức lên đường để kết nối những thông điệp khác có cùng tần số rồi phản hồi trực tiếp hay gián tiếp. Thời gian phản hồi nhanh hay chậm còn tùy thuộc nhiều nhân duyên khác nữa. Có khi xảy ra ngay lập tức, có khi cả chục năm trời hay đến thế hệ con cháu của chúng ta thì nó mới hoàn tất một hiệu ứng.  Vì vậy cha ăn mặn mà con vẫn khát nước như thường. Cho nên một cơn giận của ta có thể làm cho toàn cầu bị ảnh hưởng và ngược lại năng lượng giận hờn của toàn cầu cũng sẵn sàng gửi về ta một nghịch cảnh nếu điều kiện ảnh hưởng đã đầy đủ.
     
    Đừng nói chi hiệu ứng xa xôi ấy, chỉ ngay nơi hiện trường ta cũng thấy được cảm xúc giận hờn một khi trào ra ngoài cũng giống như một cơn đại dịch, lan tỏa rất nhanh đến mọi đối tượng chung quanh và hiệu ứng của nó xảy ra cũng rất bất ngờ. Thí dụ sáng hôm nay bị sếp kêu vào chưởi cho một trận lôi đình vì sự sai sót của ta đã làm cho một số hợp đồng bị ngưng trệ. Sau lời hăm dọa đuổi việc của sếp, vì chịu hết nổi nên ta đã ném vào mặt sếp một câu tuyên bố xanh rờn rồi xô cửa bỏ về.
     
    Đang ấm ức về sự kiện tồi tệ vừa xảy ra, lại bị anh cảnh sát giao thông huýt còi vì vượt đèn đỏ, sẵn cơn bực tức ta lại lên giọng cãi cọ ầm ĩ để rồi ra đi với tấm vé phạt tiền trong tay còn giấy tờ xe gửi lại. Vừa chửi rửa lầm bầm trong miệng thì người yêu điện thoại tới cằn nhằn chuyện thất hứa hôm qua. Câu nói “tôi quá thất vọng vì anh” của nàng đã đưa cơn bão giận hờn lên tới đỉnh điểm và bao nhiêu ân tình bỗng chốc tan thành mây khói. Ta đã thẳng thừng tuyên bố chia tay mà không một lời giải thích.
     
     Không biết còn chuyện gì xảy ra nếu tiếp theo đó có ai xui xẻo lọt vào vùng phụ cận của ngọn núi lửa đang phun trào ngùn ngụt. Chưa nói hậu quả của câu tuyên bố kia sẽ làm cho sếp nổi điên lên mà ra quyết định đuổi việc và phao thêm nhiều thông tin bất lợi cho ta, hay anh cảnh sát vì quá tức tối những lời lẽ xúc phạm của ta mà không còn đủ bình tĩnh để điều phối các tín hiệu giao thông để cho tai nạn xảy ra hàng loạt, và người yêu có thể cũng ngất ngư trong cơn lây dịch cảm xúc của ta để rồi đi tới quyết định hết sức nông nỗi. Từ một cảm xúc giận hờn ta đã tạo ra một chuỗi hiệu ứng quả thật không lường.
     
    Cố nhiên mỗi đối tượng đón nhận cảm xúc giận hờn của ta đều có những phản ứng trả đũa bằng trực tiếp hoặc gián tiếp. Nhưng hậu quả tồi tệ nhất là khi ta sử dụng năng lượng giận hờn bằng lời nói hay hành động để tấn công đối phương, nó sẽ rơi rớt lại trong chính ta hơn rất nhiều lần so với năng lượng mà ta tống đi. Đó là nguyên tắc rất tự nhiên, lực hút từ cơ chế gốc bao giờ cũng mạnh hơn những lực hút bên ngoài, nhất là trong giai đoạn cao trào của cơn cảm xúc thì tâm lực của ta càng mạnh mẽ hơn. Hóa ra muốn trừng phạt kẻ khác ta lại đi hủy diệt chính mình. Khi năng lượng giận hờn rớt xuống thì nó lại cộng hưởng với năng lượng nguồn làm cho cơn cảm xúc tăng vọt, toàn thể thân và tâm ta bị tê liệt và biến hoại âm ĩ, sau đó nhanh chóng hình thành luôn cơ chế mới trong tâm thức về lãnh thổ hoạt động và khả năng tàn phá của cơn giận trong tương lai.
     
    Điều phục một cơn giận
     
    Nếu đã thấy được sức tàn phá của một cơn giận quá lớn mà chính ta là kẻ chịu tổn thất nặng nề nhất, thì hãy cố gắng lưu trữ cẩn thận tập tin quan trọng này vào tâm thức để mỗi khi hạt giống giận hờn bị kích động là ta kịp thời ý thức trách nhiệm bảo vệ chính mình mà không theo thói quen cũ cứ lo truy cứu kẻ khác. Nắm được nguyên tắc này thì đỡ khổ nhiều lắm, dù chưa có khả năng kềm tỏa được cơn giận hoàn toàn nhưng ta sẽ bớt dần thái độ trách móc hay đổ hết lỗi lầm cho người kia. Tại vì cơ hội quay về thay đổi chính ta bao giờ cũng nhiều hơn đi thay đổi người khác.
     
    Tất nhiên người kia cũng có lỗi, vì vô tình hay cố ý mà họ đã buông ra lời nói hay hành động có tính chất tưới tẩm vào hạt giống giận hờn trong ta. Nhưng trừng phạt họ không phải là cách giải quyết vấn đề của người có tình thương và hiểu biết. Ta cần nói cho người kia biết họ đã sai và đừng bao giờ lặp lại hành động đó, nhưng để làm được như vậy ta cũng cần có một thái độ bình tĩnh và nhẹ nhàng để người kia có thể cảm thông mà chấp nhận. Ta hãy biến những người thân thành đối tượng giúp đỡ tích cực trong giai đoạn mới bắt đầu thực tập làm chủ cơn giận. Đừng để họ tiếp tục làm kẻ đối kháng.
     
    Và không phải lúc nào ta cũng có thể nói trước với người kia về tình trạng giận hờn trong ta quá lớn mạnh để cầu xin sự nâng đỡ. Nên ta đừng trông chờ nhiều vào điều kiện bên ngoài, khéo biết sử dụng khả năng của mình thì ta vẫn đủ sức để điều phục một cơn giận. Vậy trước tiên ta cần có một khả năng phát hiện ra có sự kích động từ bên ngoài hay sự va chạm từ chính bên trong tâm thức vào hạt giống giận. Kế tiếp ta phải có khả năng đánh giá chính xác hành động kia có chủ đích gì hay do vụng về lầm lỡ để ta quyết định cách ứng xử hữu hiệu.  Sau đó ta phải có khả năng quan sát quá trình vận hành của cơn giận để thấu hiểu được bản chất vô thường sinh diệt của nó mà đừng để kẹt vào. Cuối cùng ta cần khả năng khơi dậy những năng lượng an lành và mát mẻ như ân tình, bao dung để ôm ấp và chữa trị cơn giận. Khả năng đó chính là chánh niệm (mindfulness).
     
    Để làm được những điều này ta cần phải chọn cho mình một không gian thích hợp. Tức là khi cơn giận bắt đầu phát hiện ta phải khôn ngoan tìm cách tách ly ra khỏi hiện trường. Lỡ không đi đâu được, trong cơn cảm xúc ta chỉ nên thực tập không nói năng hay hành động gì thêm nữa, dù đó là một thái độ giải thích mà ta cho là thỏa đáng. Bước thứ hai là tìm cách làm phát sinh năng lượng chánh niệm, nếu ta chưa có sẵn. Nghĩa là phải có những phương pháp thực tập cụ thể để giúp ta ngừng suy diễn đến sự kiện vừa xảy ra, dồn hết tâm ý trở về một chỗ trong chính con người của ta để tạo ra năng lượng chánh niệm. Hơi thở là chỗ nương tựa dễ dàng và an toàn nhất của tâm ý. Chỉ cần tập trung vào hơi thở vào ra chừng năm phút là cảm xúc giận hờn sẽ lắng dịu.
     
    Phải luôn nhớ rằng khi năng lượng chánh niệm trong ta yếu ớt, cảm xúc giận hờn vẫn còn lên xuống thất thường thì ta đừng bao giờ nhìn vô cơn giận hay nhìn lại vấn đề vừa xảy ra, như thế chỉ làm cho tình trạng tồi tệ thêm. Phục hồi năng lượng, thiết lập trở lại sự bình ổn tinh thần là điều khẩn thiết hàng đầu. Nếu cần người khác giúp đỡ thì phải với mục đích xin tiếp tế năng lượng, chứ không nên vì muốn tìm người đứng về phe mình.
     
    Ta chỉ nên ngồi xuống để tự tháo gỡ vấn đề hay nhờ bên phía gây giận giúp đỡ khi và chỉ khi nào ta thực sự tỉnh táo và nhận ra cơn giận của mình. Với ánh sáng chánh niệm chắc chắn ta sẽ sử dụng hết trong con người tài ba của mình ra để ứng phó, nghĩa là ta sẽ biết mình nên làm gì và không nên làm gì để giải quyết vấn đề cho vẹn vẻ đôi bên, cho hôm nay và cả tương lai. Nhiều lần thực tập điều phục cơn giận như vậy ta sẽ phát hiện ra, sở dĩ ta dễ nổi giận vì tình thương ta giành cho người kia có thể vẫn chưa đủ lớn. Cho nên quay về nuôi dưỡng tình thương là điều kiện tốt nhất để giúp ta chuyển hóa cơn giận.

     

    Thích Minh Niệm