Hạnh phúc, trong ý nghĩa thông thường, là sự vừa ý
và thỏa mãn các nhu cầu cuộc sống. Riêng đối với người Phật tử, hạnh
phúc lớn nhất của họ, có thể nói là được làm người, được nghe, học tập
và thực hành Chánh pháp.
Trong kinh Tương ưng bộ V, Đức Phật nói rằng, không dễ
có được thân người. Ví như con rùa mù rất lâu mới nổi lên mặt nước mà lọt vào
bộng cây trôi trên biển mênh mông là chuyện vô cùng hy hữu. Một lần khác, Đức
Phật khơi một chút đất dính vào đầu móng tay rồi đưa lên hỏi: Đất ở đầu móng
tay nhiều hay đất quả địa cầu nhiều? Các Tỳ-kheo đáp: Bạch Thế Tôn, đất quả địa
cầu rất nhiều, đất trong đầu móng tay có là bao. Lúc đó Đức Phật bảo: Cũng thế,
chúng sinh khi bỏ thân này rồi mà trở lại được thân người cũng ít như đất trong
đầu móng tay, còn sinh vào các cõi a-tu-la, súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục… thì
nhiều như đất quả địa cầu.
Đức Phật từng nói trong các kinh rằng, có những chúng sinh vì
tạo ác nghiệp mà phải mang thân súc sinh trải qua nhiều đời hoặc đọa trong địa
ngục, ngạ quỷ rất nhiều năm v.v... Ngày nay nhiều nhà ngoại cảm có thể tiếp xúc
với những vong linh đã từng chết cách đây hàng mấy trăm năm. Từ đó cho thấy,
một người sau khi chết có thể do nghiệp lực không tái sinh làm người được, phải
sống dưới hình thái ngạ quỷ (vong linh, quỷ đói) trong đói lạnh, khổ não, tham
muốn và thèm khát. Muốn được sinh ra làm người thật không dễ nếu không có đủ
phước báu nhân duyên. Vì thế cổ đức nói: Thân người khó được, Phật pháp khó
nghe.
Trong sáu nẻo luân hồi (Lục đạo): Thiên đạo, nhân đạo, a-tu-la
đạo, súc sinh đạo, ngạ quỷ đạo, địa ngục đạo thì loài người (thuộc nhân đạo)
được xem là chúng sinh có phước báu chỉ kém cõi trời (thiên) mà thôi. Cõi người
lại là cõi mà chúng sinh dễ tu hành nhất vì không quá khổ như ở cõi địa ngục,
ngạ quỷ, súc sinh, và cũng không quá vui sướng như cõi trời thường đắm say hỷ
lạc mà không lo tu hành. Thân người quý vì khó có được, quý vì nhờ đó mà tu
hành thoát khổ, đạt được an vui. Trong kinh Pháp cú thí dụ, phẩm Ái thân
thứ 22, Đức Phật dạy về giá trị của thân người như sau: “Người biết quý thân
mình/Cẩn thận luôn gìn giữ/Mong giải trừ các dục/Học đạo chẳng mê tình/Thân
người rất tôn quý/Nên là bậc có trí/Thường gắng tự tiến tu/Và siêng hành pháp
thí/Tu trước phải sửa mình/Sau mới độ chúng sinh/Điều thân, thâm nhập tuệ/Vượt
hơn kẻ phàm tình/Mình còn chưa lợi ích/Làm sao lợi ích người/Tâm thuần, hạnh
ngay thẳng/Nguyện thành tựu mười mươi…”
Các gia nhân của Trưởng giả Cấp Cô Độc đang dát vàng để mua khu vườn thái tử Kỳ Đà
Thân người quý báu, khó có được thân người, vì thế cần phải
biết quý trọng cơ hội làm người. Phải biết tận dụng cơ hội làm người để tu tập,
để sau khi bỏ thân này rồi có thể sinh về các cảnh giới an vui như cảnh giới
của chư Phật và Bồ-tát, hoặc cõi trời, hay ít ra cũng được trở lại làm người có
phước. Đừng để đến lúc “Một mai ngã bệnh tại giường, các khổ tranh nhau bức
ngặt, ngày đêm lo nghĩ, lòng dạ rối bời. Đường trước mịt mờ chưa biết về đâu!
Từ đây mới biết ăn năn thì đã muộn. Khát đến đào giếng sao kịp? Hận mình sớm
chẳng lo tu hành để dự bị, nên tuổi già mới sinh nhiều lầm lỗi, hối tiếc lắm
điều. Lâm chung chợt đến, lo sợ bàng hoàng…”(Quy sơn cảnh sách - Đại
Viên thiền sư). Trong kinh Pháp cú,
Đức Phật dạy rằng: “Được sinh làm người là khó, được sống trọn đời còn khó hơn,
được nghe Chánh pháp là khó, được gặp Phật ra đời còn khó hơn”(PC.182). Phải có
đủ phước báu nhân duyên mới có được thân người, mới được gặp Phật, Pháp, Tăng,
đó là những sự kiện vô cùng hy hữu mà không phải ai cũng có được.
Trong Ngũ thừa Phật giáo có giáo lý Nhân thừa giúp chúng sinh
tu tập thiện nghiệp để được tái sanh làm người sau khi đời này chấm dứt. Giáo
lý Nhân thừa dạy rằng muốn được thân người cần phải tu tập các hạnh lành, thọ
trì Tam quy Ngũ giới, siêng làm các điều thiện (cúng dường Tam bảo, bố thí,
phóng sinh, hiếu thảo với ông bà cha mẹ, sống có đạo nghĩa với anh em, bạn bè,
làm người tốt có ích cho xã hội…) để tạo công đức phước báu cho hiện tại và đời
sau.
Một khi mất thân người, khó mong tìm lại được. Nên xem thường
giá trị thân mạng con người, không biết quý trọng mình, không biết quý trọng
người khác, làm tổn thương mình hoặc tổn thương người khác đều đáng bị chê
trách, đáng bị lên án. Ví dụ như có hành vi tự giết mình (tự tử), có hành vi
giết người, gây thương tích cho người, trực tiếp hoặc gián tiếp làm tổn hại sức
khỏe, tính mạng người khác như mua bán hoặc sử dụng ma túy, các chất kích
thích, gây nghiện, các chất độc hại, đua xe, điều khiển các phương tiện lưu
thông một cách không an toàn, cẩu thả.
Ngày xưa có nhiều vị Tỳ-kheo sau khi thực hành pháp quán thân
bất tịnh trong Tứ niệm xứ (quán thân bất
tịnh, quán thọ thị khổ, quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã) đã tự thuê người
giết chết mình vì cảm thấy nhàm chán, ghê tởm cái thân. Đức Phật đã khiển trách
những vị đó và dạy rằng, sở dĩ Ngài dạy pháp quán thân bất tịnh là để đối trị
cái tâm tham dục, cái tâm tham đắm sắc thân, vì sắc thân mà tạo nghiệp (tham ăn
uống, ngủ nghỉ, tham hưởng thụ dục lạc, tạo những nghiệp bất thiện để nuôi
dưỡng, chiều chuộng cái thân). Ngài dạy các đệ tử không nên cực đoan, đừng vì
cái thân mà tạo nghiệp khổ, nhưng cũng không nên xem thường giá trị lợi ích của
cái thân, bởi nó là phương tiện để tu hành. Người nào hủy hoại thân mình là
phạm luật.
Đức Phật thí dụ, như có người bị chìm thuyền đang lặn hụp giữa
dòng nước chảy xiết trên sông mà không có gì để bám víu. Trong lúc ấy có một
khúc gỗ mục trôi tới, người ấy vô cùng mừng rỡ, quyết bám cho bằng được khúc gỗ
mục để bơi vào bờ. Tuy là khúc gỗ mục không có giá trị gì, nhưng lúc nguy cấp
thì nó trở nên quý báu. Biết sử dụng nó thì nó trở thành vật có giá trị hữu
dụng. Không có thân làm sao tu hành giác ngộ, giải thoát? Không có thân làm sao
hoằng dương Chánh pháp làm lợi ích chúng sinh? Dù là người xuất gia tu hành cầu
giải thoát, hay người tại gia có ý hướng hoàn thiện mình, cải tạo, xây dựng xã
hội, ai cũng cần quý trọng thân người, lấy nó làm phương tiện để rèn luyện tu tập
vì mục đích hướng thượng (tự lợi), lấy nó để làm việc lợi ích phục vụ tha nhân,
cống hiến cho cộng đồng, xã hội (lợi tha).
Hạnh phúc lớn nhất của người Phật tử là được nghe, học và thực
hành Chánh pháp. Có những người sống rất khổ vì nghèo khó thiếu áo đói cơm, vì
làm lụng vất vả, vì bệnh hoạn tật nguyền nhưng họ chưa bao giờ tự hỏi hoặc tìm
hỏi ai đó: Vì sao mình lại quá khổ như thế này? Có con đường nào để thoát khổ
hay không? Tại sao mình có mặt trên cuộc đời này để chịu khổ, và sau khi chết
mình đi về đâu? Mục đích của đời sống là gì? Lại có những người không lâm vào
tình cảnh bất hạnh như thế nhưng lại không có nhân duyên gặp được Chánh pháp,
họ rơi vào tà kiến ngoại đạo. Có người gặp được Chánh pháp nhưng lại không có
niềm tin. Có người có niềm tin nhưng không có hiểu biết chơn chánh. Có người có
niềm tin và hiểu biết nhưng không có sự tinh tấn hành trì, không có thầy lành
bạn tốt trợ duyên. Có những người sống gần hết một đời nhưng vẫn mê mờ tâm trí,
không giác ngộ được bản chất cuộc đời, bản chất kiếp nhân sinh, mấy mươi năm
trong kiếp người chỉ lẩn quẩn trong việc tìm kiếm miếng ăn, rồi đến trăm tuổi
già xuôi tay nhắm mắt chẳng mang theo được thứ gì, cả đời cũng chẳng làm được
việc gì có ý nghĩa, lợi ích cho bản thân và cho cuộc đời, uổng phí một cơ hội
làm người, chưa hề nghĩ mục đích đời sống là gì, sau khi chết mình đi về đâu?
Trong kinh Pháp cú, Đức Phật dạy: “Sống trăm năm mà không thấy pháp vô
thường sinh diệt, chẳng bằng sống chỉ một ngày mà được thấy pháp vô thường sinh
diệt (PC.113). Sống trăm năm mà không thấy đạo tịch tịnh vô vi, chẳng bằng sống
chỉ một ngày mà thấy đạo vô vi tịch tịnh (PC.114). Sống trăm năm mà không thấy
pháp tối thượng, chẳng bằng sống chỉ một ngày mà thấy pháp tối thượng
(PC.112)”.
Một hạnh phúc khác nữa là có cơ hội và điều kiện làm việc
thiện, vun trồng ruộng phước (tài thí, pháp thí, vô úy thí, biết tùy hỷ, biết
lợi hành, đồng sự, biết cách tự lợi, lợi tha) nhằm tu tạo công đức phước điền,
gieo duyên lành hạnh phúc cho đời này và đời sau. Những hạnh phúc ấy không phải
người Phật tử nào cũng có được. Hiểu điều này, người Phật tử cần quý trọng
những hạnh phúc mà mình đang có.
Phan Minh Đức