Một sự thật khác nữa là từ khi ta phát sinh ý
niệm muốn hiến tặng đến suốt tiến trình hiến tặng và mãi tận sau này mà
ta cũng không hề có tỏ thái độ phân biệt chọn lựa hay coi thường đối
tượng, không có ý muốn họ phải đền đáp, và không bao giờ cảm thấy tự đắc
vì mình đã làm được một việc tốt, thì ta sẽ nhận được toàn bộ năng
lượng đền trả của vũ trụ. Phần hồi đáp ấy có khi được nhân lên gấp
bội...
Cho và nhận
Khi
tặng quà cho một người nào đó, ta hay nghĩ rằng mình là ân nhân của họ.
Vì món quà ấy dù mang giá trị vật chất hay tinh thần cũng đều góp phần
làm cho họ được an vui và hạnh phúc hơn. Nói chung, ta biết họ đã nợ ta
một cảm xúc tốt. Nhưng nếu ta thật lòng muốn tặng mà họ lại khước từ vì
họ đã đầy đủ, hoặc họ không muốn mắc nợ ta, hay họ đã không còn có mặt ở
đây để đón nhận thì ý niệm hiến tặng sẽ không thể nào thực hiện được.
Cho nên người cho cũng cần người nhận chứ không chỉ người nhận mới cần
người cho. Và như thế không chỉ người nhận phải cảm ơn người cho mà
người cho cũng phải cảm ơn người nhận, bởi cả hai đều là điều kiện cần
thiết cho nhau. Điều này nghe rất lạ, nhưng đó là sự thật rất hiển nhiên
để tạo nên sự cân đối giữa các mối liên hệ trong vũ trụ.
Một
sự thật khác là khi ta hiến tặng những món quà mà mình rất yêu quý hoặc
đã từng bỏ ra rất nhiều công sức để làm nên và món quà ấy thật sự có
giá trị hữu dụng cho người kia, thì không những ta giúp họ được an vui
và hạnh phúc hơn mà chính ta cũng nhận được một nguồn năng lượng bù đắp
từ vũ trụ. Dù ta chỉ một lòng muốn giúp đỡ chứ không có ý gì khác, nhưng
năng lượng được phóng thích từ tâm ý cộng với trị giá món quà sẽ kết
nối với những nguồn năng lượng có cùng tần số trong vũ trụ để phản hồi
lại ta một hiệu ứng tốt đẹp. Hiệu ứng ấy có thể xảy ra tức thì, nhưng
cũng có khi đến những thế hệ sau thì nó mới hội đủ điều kiện để hoàn
tất. Và dù món quà hiến tặng không phải là thứ ta yêu quý, hoặc không
phải do chính công sức của ta tạo ra, cũng không mang lợi ích thiết thực
cho người kia thì ta vẫn nhận được sự hồi đáp không nhỏ vì ta đã có
thiện ý muốn giúp.
Một sự thật khác nữa là
từ khi ta phát sinh ý niệm muốn hiến tặng đến suốt tiến trình hiến tặng
và mãi tận sau này mà ta cũng không hề có tỏ thái độ phân biệt chọn lựa
hay coi thường đối tượng, không có ý muốn họ phải đền đáp, và không bao
giờ cảm thấy tự đắc vì mình đã làm được một việc tốt, thì ta sẽ nhận
được toàn bộ năng lượng đền trả của vũ trụ. Phần hồi đáp ấy có khi được
nhân lên gấp bội. Bởi đó là sự hiến tặng trong sạch, hoàn toàn vì đối
tượng chứ không xen ké quyền lợi của mình vào. Còn nếu ta chỉ chọn lựa
đối tượng mình ưa thích mới hiến tặng, hoặc luôn mong mỏi người kia ghi
khắc công ơn mình dù chỉ cần đáp lại bằng thái độ kính trọng, hay ta
luôn thấy mình cao thượng vì đã làm được một việc tốt, thì năng lượng
đền trả của vũ trụ tuy cũng xảy ra nhưng rất yếu ớt.
Trong
trường hợp ta mượn đối tượng ấy để đánh bóng tên tuổi của mình, hoặc để
ta thực hiện việc tích phước với mong muốn đời sống của mình sẽ được an
toàn và hạnh phúc hơn, hay để ta chứng tỏ giá trị của mình sau những
thất bại thảm hại trong cuộc đời, thì ta chỉ nhận được chút ít năng
lượng từ món quà quý giá đã gửi đi. Điều không ngờ là nếu nhờ vào hình
thức hiến tặng đó mà ta thu về khá nhiều quyền lợi thì tức là ta đã vay
lại từ đối tượng kia một món nợ cảm xúc. Dù họ không hề hay biết nhưng
vũ trụ sẽ có bổn phận lấy lại của ta bằng cách này hay cách khác để trả
lại cho họ. Như vậy cho cũng chính là nhận, mà cũng có thể trở thành vay
nợ. Tất cả đều tùy thuộc vào tâm ý của ta. Đó là lý do tại sao có rất
nhiều người siêng năng làm công tác giúp đỡ nhưng cuộc đời họ chưa bao
giờ khởi sắc hơn, và thậm chí càng giúp đỡ thì cuộc đời họ càng tăm tối
hơn.
Thêm một sự thật kỳ diệu nữa là khi ta
hiến tặng bằng tất cả tấm lòng, trao đi một món quà thật sự quý giá đối
với ta và mang tới giá trị hữu dụng cho người kia, thì không những vũ
trụ sẽ đền trả mà chính năng lượng trong người nhận sẽ tự động bị hút về
người cho theo “quy luật cân bằng cảm xúc”. Mức cân bằng tùy thuộc vào
quan niệm về trị giá món quà và ý nghĩa của sự hiến tặng giữa hai người.
Nếu người nhận không còn đủ năng lượng dự trữ để hồi đáp thì vũ trụ vẫn
chấp nhận cho nợ, đến khi họ tích tụ thêm được năng lượng mới thì vũ
trụ sẽ tiếp tục thu lại để gửi đến ta cho đến khi cân bằng. Điều kỳ diệu
là lòng biết ơn, sự kính trọng hay tình thương chính là những nguồn
năng lượng giá trị nhất vì nó được sản sinh từ nền tảng vô ngã, nếu có
được nó thì ta sẽ không còn lo sợ bị mắc nợ nữa. Ngược lại, thái độ vô
ơn sẽ khiến cho món nợ nhân lên gấp bội, mà có khi đến nhiều thế hệ con
cháu của ta mới trả xong. Cho nên nhận cũng chính là cho, mà cũng có thể
là vay thêm nợ. Vì vậy, ta nên khôn ngoan từ khước những món quà không
thật sự cần thiết nếu biết năng lượng của mình không đủ để đền trả lại,
nhất là với những món quà được tạo ra từ năng lượng của đại chúng.
Truyền
thống Phật giáo đại thừa luôn nhắc đến nguyên tắc bố thí để trở thành
sự bố thí tuyệt đối, đó là “tam luân không tịch”- ba đối tượng gồm người
bố thí, người nhận bố thí và món quà bố thí phải nương tựa vào nhau thì
mới thành lập được. Thứ nhất – người bố thí phải thấy cả vũ trụ trong
họ cùng đang bố thí chứ không phải cái tôi biệt lập đang bố thí, đặc
biệt nhờ có người đón nhận thì ta mới thực hiện được việc làm này, nên
trước và sau khi bố thí trong tâm không hề có sự thay đổi; thứ hai –
người bố thí phải thấy món quà này cũng do sự góp mặt của vạn sự vạn vật
mới làm ra được, nên không có thái độ lựa chọn giá trị cao thấp của món
quà để bố thí; thứ ba – người bố thí không có sự phân biệt hay đòi hỏi
gì nơi người nhận. Cả ba điều này nếu xảy ra đầy đủ thì ta sẽ đạt tới
đỉnh cao của sự bố thí – bố thí không điều kiện hay sự bố thí trong sạch
nhất.
Nguyên tắc này có thể khiến ta không
khỏi giật mình vì dường như xưa nay ta chưa thật sự bố thí, phần lớn
chỉ là sự trao đổi cảm xúc qua lại: tôi cho anh cái này thì anh phải cho
tôi lại cái kia. Nhưng không sao, chỉ cần ta có ý niệm đúng đắn trở lại
và cố gắng luyện tập thói quen quan sát tâm mình mỗi khi muốn bố thí và
suốt tiến trình thực hiện để ngăn chặn những thái độ tiêu cực. Nếu
trong nhất thời không thể buông bỏ được thái độ bám víu vào hành động bố
thí của mình, thì ít nhất ta cũng đừng đòi hỏi đối tượng hay lợi dụng
đối tượng để trục lợi. Tất nhiên nếu tâm ta vẫn còn phiền não tham cầu
và chống đối thì sự hiến tặng sẽ không thể nào đạt tới mức hoàn hảo. Dù
vậy, càng tiến về nguyên tắc ấy thì ta sẽ càng tiến gần tới chân lý, để
người cho và kẻ nhận đều được lợi ích.
Phước và Đức
Truyền
thống văn hóa Việt Nam luôn đề cao hai phẩm chất quý giá của con người -
đó là phước và đức. Phước là năng lượng được tạo ra từ hành động hướng
tới kẻ khác để giúp đỡ, còn đức là năng lượng được tạo ra từ quá trình
chuyển hóa năng lượng xấu và phát huy năng lượng tốt của bản thân. Nhưng
thực chất phước cũng chính là đức, và ngược lại. Vì trong khi hướng tới
kẻ khác để giúp đỡ, ta không ngừng quan sát thái độ bám víu và đòi hỏi
của mình để buông bỏ, như vậy là ta vừa có phước mà cũng vừa có đức. Còn
trong khi quay về chăm sóc nội tâm, tháo gỡ những cố tật phiền não bảo
vệ cái tôi, trở thành con người nhún nhường dễ thương, luôn tỏa chiếu
năng lượng an lành và mát mẻ đến mọi người chung quanh, như vậy là ta
vừa có đức mà cũng vừa có phước. Nếu chỉ có phước mà không có đức thì
lòng tốt ấy chỉ là một sự đổi chác hay lợi dụng, còn nếu có đức mà không
có phước thì đó chỉ là hành động trốn tránh, ích kỷ. Sự thật phước và
đức chỉ là hai mặt của một thực thể. Thực thể ấy chính là vô ngã. Vì
người cũng là vì mình và vì mình cũng là vì người, bởi không có ranh
giới khác biệt giữa mình và người. Tùy theo hoàn cảnh mà ta cần phải chú
trọng phần phước hay phần đức nhiều hơn, nhưng ta không bao giờ được
quên tính chất liên đới không thể tách rời của chúng.
Cho
nên trong khi quay về xây dựng đời sống nội tâm, ta phải thực tập làm
sao để chính ta và mọi người chung quanh đều được lợi ích, dù ta chưa có
hành động giúp đỡ nào cụ thể. Và trong khi hướng tới giúp đỡ mọi người,
ta cũng cố gắng thực tập làm sao để những đối tượng ấy thật sự được lợi
ích và chính ta cũng thấy an vui, nhẹ nhàng và thanh thản dù ta chưa
chính thức bước vào công trình chuyển hóa tâm tính. Song thực tế thì
thực tập phước thường dễ thất bại hơn thực tập đức, vì ta rất dễ bám víu
vào hành động hiến tặng được cho là cao thượng của mình. Như vậy, quay
về thay đổi chính mình trước khi muốn chia sẻ với người khác, tự lợi rồi
mới lợi tha, là con đường hợp lý nhất. Tuy nhiên cuộc sống không phải
lúc nào cũng thuận lợi như ta sắp đặt, vì vậy phải thông minh và bản
lĩnh lắm ta mới có thể sử dụng phước và đức một cách uyển chuyển và hiệu
quả.
Vì người hay vì mình?
Có
một thiếu phụ nọ đến tìm tôi để tham khảo một quyết định. Con chó của
bà đã già yếu, không còn ăn uống được nữa và nằm bất động một chỗ. Bác
sĩ thú ý đã khuyên bà đừng để nó tiếp tục sống trong tình trạng như thế
nữa, phải tiêm cho nó một mũi thuốc để kết thúc. Bà ấy biết điều bác sĩ
khuyên là cần thiết, nhưng bà không làm được. Vì bà cảm thấy tội nghiệp
cho con chó, nó đã sống trung thành và thân thiết như một người bạn suốt
mười lăm năm qua - kể từ khi bà ly dị chồng và sống thui thủi một mình.
Tôi đã hỏi bà: “Nếu bà đã biết con chó đang trong cơn đau đớn như thế
mà bà vẫn muốn níu kéo thì thật sự là bà đang thương nó hay thương chính
bà?”. Bà ấy lặng im rất lâu mà không trả lời được. Tôi nói thêm: “Nếu
bà lấy cảm xúc cô đơn của mình ra để đặt mình vào nỗi khổ sở của con chó
thì bà sẽ hiểu nó muốn gì trong lúc này. Bà thật sự thương nó thì hãy
làm theo ý của nó đi. Bà phải can đảm chấp nhận sự mất mát này để đối
tượng thương yêu được mãn nguyện và hạnh phúc”. Nghe tới đây bà mới thấm
thía và an lòng chấp nhận.
Khi hay tin
người thân yêu đang trong cơ hấp hối, ta thường hốt hoảng than khóc và
dốc lòng cầu nguyện cho người ấy đừng chết. Câu hỏi đặt ra là ta thật sự
muốn người ấy được sống vì biết họ đang cần được sống, hay vì ta đang
thương cho cái cảm xúc cô đơn hụt hẫng của mình? Hai thái độ hoàn toàn
khác nhau - một cái vì người, một cái vì mình. Cũng có khi ta rơi vào
tình trạng vừa vì người mà cũng vừa vì mình. Nhưng ta thường không thấy
được sự thật ấy nên lúc nào cũng tưởng là mình đã hết lòng vì người kia,
vì vậy mà sự cầu nguyện cũng khó thành công. Bởi một trong những điều
kiện để sự cầu nguyện thành công là ta phải dồn hết 100% tâm ý để hướng
đến đối tượng. Tâm chưa thật trong sạch thì không thể vay nợ vũ trụ.
Cũng như khi quyết định không tha thứ hay trừng phạt người kia thì ta
hay cho rằng mình phải làm như thế mới giúp họ tỉnh ngộ. Nhưng sự thật
là do ta bị cảm xúc tổn thương khống chế và muốn phóng thích nó bằng
hành động trả đũa. Bởi nếu hoàn toàn vì họ thì ta sẽ có vô số cách hữu
hiệu hơn so với những hành động nặng nề kia, mà cách tốt nhất là dùng
tình thương chân thành để cảm hóa.
Trong
bài hát Để gió cuốn đi, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã tinh tế khi viết: “Hãy
nghiêng đời xuống, nhìn suốt một mối tình, chỉ lặng nhìn không nói
năng. Để buốt trái tim, để buốt trái tim”. Khi thật lòng muốn giúp đỡ
người nào, ta phải có khả năng thoát khỏi vai của mình để sẵn sàng bước
vào vai của người kia thì ta mới có thể gần gũi và thấu hiểu họ được. Ta
phải “nghiêng xuống” bên họ vì ta đang trong tình trạng lành lặn, năng
lượng dồi dào, và trong vị trí người hiến tặng. Nhưng phải thêm hai điều
kiện nữa: đó là khả năng im lặng quan sát mà không lên tiếng trách móc
hay buộc tội, và phải chuẩn bị tinh thần đón nhận những năng lượng tiêu
cực trong tâm người kia tràn ra bất cứ lúc nào - vì có thể sẽ làm “buốt
trái tim” ta. Biết sẽ chịu nhiều mất mát, thiệt thòi trong khi cứu giúp
mà ta vẫn toàn tâm chấp nhận là vì ta có một tấm lòng lớn, một tình
thương chân thật. Tình thương chân thật là tình thương không có điều
kiện hay rất ít điều kiện. Nó rất nhẹ. Nhẹ đến nỗi gió có thể cuốn đi
khắp ngàn phương - “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng. Để làm gì
em biết không? Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi”.
Tình
thương đúng là món quà cao quý nhất mà ai cũng cần. Dù ta hiến tặng bất
cứ món quà nào đi chăng nữa thì tấm lòng chân thật mới thật sự quyết
định nên giá trị đích thực của sự hiến tặng.
Tất cả cũng tàn phai
Chỉ tình thương ở lại
Những gì trao hôm nay
Sẽ theo nhau mãi mãi.
Thích Minh Niệm