Phật giáo bàn rất nhiều về sự khổ. Theo Phật giáo, đời người là một quá trình chịu nhiều cái khổ như khổ của sinh, khổ của già, khổ của bệnh, khổ của chết.
Ngoài ra, còn có các nỗi khổ khác như cầu không như ý, oán thù gặp gỡ, thân ngũ uẩn nung nấu, tất cả cộng lại thành tám nỗi khổ (Bát khổ). Lìa khổ, diệt khổ là mục đích cuối cùng của đạo Phật, nhưng trước khi lìa khổ, diệt khổ, điều quan trọng nhất là chúng ta phải biết nhận diện đau khổ.
Phật giáo phân tích về các nỗi khổ nhằm giúp chúng ta hiểu được những nguyên nhân chính tạo nên đau khổ. Nhưng, nếu chúng ta chỉ hiểu khổ trên mặt chữ, hiểu khổ qua sự miêu tả của người khác thì dù chúng ta có thuộc lòng hết tất cả các nỗi khổ mà chưa thực sự trải qua, chúng ta vẫn chưa thể thể nghiệm hết đau khổ. Vì thế, kiến thức về khổ trong Phật giáo bất quá cũng chỉ là sự miêu tả về khổ. Điều đó chưa đủ tạo sức mạnh cho chúng ta đối diện khổ, vì khi gặp tình huống bất ngờ không như mong đợi, chúng ta vẫn tham, sân, si; khi gặp những điều yêu thích vẫn tham lam, muốn thu nhận tất cả cho mình. Dù thế nào đi nữa thì con người cũng chỉ chạy loanh quanh các tâm lí tạo khổ như tham lam, sân giận, ngu si, ngạo mạn, nghi ngờ mà thôi, còn về bản chất của khổ là thế nào vẫn không thể nào biết được, điều này sẽ ngăn ngại khả năng thoát khổ của chúng ta.
Mọi việc chúng ta cần phải tự thân trải qua mới để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng. Nhiều người tìm hiểu Phật pháp liền biết ngay cuộc đời là biển khổ và từ đó họ chuyên tâm tu Phật. Phần lớn những người còn lại cần phải tự thân trải qua đau khổ như gặp tai nạn, qua cơn bệnh nặng, qua sự biệt li đau đớn mới hiểu đời là biển khổ. Ví dụ người may mắn duy nhất sống sót sau một vụ tai nạn máy bay hoặc người lâm bệnh thập tử nhất sinh nhưng được cứu sống mới hiểu thế nào là khổ. Khi trải qua được những nỗi khổ đó, họ sẽ có thái độ sống hoàn toàn khác. Sở dĩ như thế là vì họ đã từng “chết hụt” nên sẽ vô cùng quý trọng sự sống này. Cho nên, dù cuộc sống có khổ hơn, họ vẫn chịu đựng được, họ sẽ không còn thấp thỏm lo âu về cuộc sống như những người bình thường khác.
Ngoài ra, những người có người thân đột ngột qua đời sẽ nhận thấy sự mong manh của sự sống, từ đó họ trân trọng tình cảm với mọi người xung quanh. Để ghi nhận tình cảm của mình đối với người đã thiếu may mắn ra đi, họ sẽ có thái độ sống khác hoặc là làm từ thiện, cống hiến sức mình cho xã hội hoặc là hiến tài sản cho các nơi làm từ thiện. Nhờ tự thân trải nghiệm khổ, họ sẽ cảm nhận rất mạnh mẽ sự vô thường của cuộc sống; nhờ trải qua các nỗi khổ cùng tột đó, sau này họ sẽ không còn bị khổ “uy hiếp”, không còn thấy khổ nữa.
Từ những điểm trên, chúng ta thấy rằng các vị Bồ-tát chắc chắn tu tập từ trong những khổ đau của mình và chúng sinh vì các ngài là người dấn thân vào đời, chịu mọi đau khổ mà chúng sinh từng chịu nên khi dấn thân vào đó không còn thấy khổ mà chỉ thấy vui vì đã cứu giúp chúng sinh. Hơn nữa, các ngài vào trong đau khổ để cứu người khổ đau, như Bồ-tát Địa Tạng từng nói: Nếu ta không vào địa ngục thì ai vào địa ngục để cứu khổ chúng sinh? Quả thực, những người biết dấn thân vào đời thật vĩ đại biết bao!
Từ những ví dụ trên, chúng ta thấy rằng nếu muốn biết khổ, thể nghiệm khổ thì hãy biết rằng bản thân của khổ chưa từng tổn tại trong đời, thấy khổ không còn là khổ nữa. Tuy nhiên, chỉ những vị Bồ-tát và những người trải đời mới hiểu hết điều này.
Là một người tu hành Phật pháp, muốn lìa khổ, diệt khổ phải không ngừng tu tập, vượt qua trùng trùng chướng ngại của thân tâm để từ đó vượt lên tất cả khổ nạn.
HT. Thánh Nghiêm