Theo Tam Tạng Kinh điển của Phật giáo Nam truyền
Theravāda, ngày trăng tròn tháng Tư âm lịch là ngày lịch sử, kỷ niệm một
lúc 3 thời kỳ: Bồ tát Đản sanh, Bồ tát Thành đạo và đức Phật viên tịch
Níp bàn. Ba sự kiện trọng đại, tuy khoảng cách thời gian khác nhau,
nhưng xảy ra đều trùng hợp vào đêm rằm tháng tư, đúng theo ý nguyện của
Đức Phật Gotama. Cho nên, tất cả mọi người Phật tử từ những bậc xuất gia
đến các hàng tại gia cư sĩ trên toàn thế giới, đều lấy đêm rằm tháng
tư, làm ngày lễ cúng dường Đức Phật, gọi là: “Vesākhapūjā”.
Trở lại lịch sử cách đây hơn 25 thế kỷ, đức Thế Tôn, vị
thầy của nhân thiên đã xuất hiện giữa Trung Ấn Độ để sau này trở thành
một bậc Vĩ Nhân mở đầu cho một kỷ nguyên an lạc và giải thoát.
Ngày
rằm tháng tư cách nay 2636 năm, tại khu rừng Lumbinī (nay thuộc xứ
Nepal), khoảng giữa kinh thành Kapilavatthu và kinh thành Devadaha, Đức
Bồ Tát Thái tử Siddhattha đản sinh kiếp chót từ lòng bà chánh cung Hoàng
hậu Mahāmayadevī của Đức vua Suddhodana thuộc dòng dõi Sakya.
Vị
Bồ-tát khi sanh ra, Ngài đứng vững, thăng bằng trên hai chân, mặt hướng
phía Bắc, bước đi bảy bước, một lọng trắng được che trên. Ngài nhìn
khắp cả mọi phương, lớn tiếng như con ngưu vương, thốt ra lời như sau:
"Ta là bậc tối thượng ở trên đời.
Ta là bậc tối tôn ở trên đời.
Ta là bậc cao nhất ở trên đời.
Nay là đời sống cuối cùng.
Không còn phải tái sanh ở đời này nữa".[1]
Thái
tử Siddhattha lớn lên trong cung vàng điện ngọc với ba tòa lâu đài nguy
nga tráng lệ cùng những phi tần, vũ nữ múa hát ngày đêm, nhưng vẫn
không quên được chí nguyện giải thoát từ bao kiếp quá khứ, Ngài luôn suy
tư về cuộc đời và lo âu về một con đường nào đó có thể giải thoát sự
đau khổ, đem chúng sanh ra khỏi ngục tù u mê của thế gian.
Bỏ
lại phụ vương đã lớn tuổi, bỏ lại người vợ đẹp, đứa con thơ chưa bít
được mặt, bỏ lại sau lưng ngai vàng đế vương, Ngài đã vượt hoàng thành
trong đêm tối, quyết chí xuất gia tầm đạo. Đánh đổi áo mũ cân đai, lụa
là gấm vóc để nhận lấy những cái gọi là khắc nghiệt nhất, đau khổ nhất,
Ngài thực hành phương pháp ép xác tu khổ hạnh trong sáu năm ròng rã nơi
rừng vắng hoang vu. Và rốt cuộc, Ngài phải từ bỏ nó, Ngài khám phá ra
con đường Trung đạo – Majjhimapatipadā, con đường có tám chi phần có thể
đưa chúng sanh thoát ly dòng sanh tử.
Vào
canh chót đêm rằm tháng tư cách nay 2501 năm, tại cội đại Bồ Đề trong
khu rừng Uruvela (nay gọi Bodh Gaya xứ Ấn Độ), tỉnh Senanigama, Đức Bồ
Tát Siddhattha chứng đắc thành Đức Phật Chánh Đẳng Giác có danh hiệu Đức
Phật Gotama vào năm Ngài được 35 tuổi.
Mười
ngàn thế giới chúng sinh từ mặt đất lên đến cõi sắc giới phạm thiên tột
đỉnh, chư thiên, phạm thiên vô cùng vui mừng, hoan hỷ thốt lên lời:
Sādhu! Sādhu! (Lành thay! Lành thay!). Tiếng hoan hô vang dội khắp toàn
cõi 10 ngàn thế giới chúng sinh. Toàn thể mười ngàn thế giới, chư thiên,
phạm thiên đem những phẩm vật cao quý và những đóa hoa xinh đẹp cúng
dường đến Đức Phật và tán dương ca tụng Đức Phật bằng hàng ngàn bài kệ.
Khi ấy, Đức Thế Tôn tự thuyết ở trong tâm bằng hai bài kệ rằng:
153. Lang thang bao kiếp sống
Ta tìm nhưng chẳng gặp,
Người xây dựng nhà này,
Khổ thay, phải tái sanh.
154. Ôi! Người làm nhà kia
Nay ta đã thấy ngươi!
Người không làm nhà nữa.
Ðòn tay ngươi bị gẫy,
Kèo cột ngươi bị tan
Tâm ta đạt tịch diệt,
Tham ái thảy tiêu vong.[2]
Trong
vô số lượng kiếp, Như Lai còn lặn lội tìm kiếm người thợ cất nhà thì sự
sanh đã khiến Như Lai đau khổ không ngừng. Này người thợ nhà kia, ngươi
đã bị Như Lai khám phá ra rồi, đừng hòng cất nhà cho Như Lai được nữa,
sườn nhà, nóc nhà đã bị Như Lai phá vỡ và triệt hạ, tâm Như Lai hoàn
toàn vô hành, vô nhiễm.
Hai bài kệ cảm ứng tự thuyết ở trong tâm, đó là Phật ngôn đầu tiên của Đức Phật.
Sau
khi chứng quả Chánh Biến Tri thay vì an hưởng quả vị siêu thoát một
mình, nhưng với lòng từ bi vô lượng thúc đẩy Ngài không nỡ để cho chúng
sanh chìm ngập khổ sầu mãi trong biển lệ trầm luân, nên Ngài nỗ lực suốt
45 năm trường đem đạo vàng truyền bá khắp nơi, nhằm một mục đích duy
nhất là đem lại hạnh phúc và giải thoát cho chư Thiền và nhân loại.
Mỗi ngày đêm, Đức Phật luôn tinh tấn không ngừng hành năm phận sự gọi là Buddhakicca: Phận sự của Đức Phật.
Phận sự buổi sáng trước khi độ ngọ.
Mỗi
buổi sáng đến giờ đi khất thực, có khi Đức Phật ngự đi khất thực một
mình để tế độ chúng sinh nào đó, có khi Đức Phật ngự cùng với chư Tỳ
khưu Tăng đi vào xóm, vào kinh thành để khất thực. Khi Đức Phật thọ thực
xong, có số dân chúng thỉnh Đức Phật thuyết pháp, có số xin thọ phép
quy y Tam Bảo thọ trì ngũ giới…, có số xin Đức Phật cho phép xuất gia,
xong rồi Đức Phật ngự trở về chùa.
Phận sự sau khi độ ngọ.
Sau
khi giảng dạy hoặc kêu gọi chư vị đệ tử, Đức Phật lui về tịnh thất. Nếu
muốn, Ngài nằm nghiêng mình bên mặt và định thần một lát. Lúc dậy, Ngài
nhập Đại Bi Định và dùng Phật nhãn quan sát thế gian, nhất là các vị tỳ
khưu đã đi vào rừng sâu hành thiền nơi vắng vẻ và các vị đệ tử khác ở
xa, để hướng dẫn và khuyên dạy. Nếu có một vị ở xa cần được hỗ trợ, Ngài
dùng thần thông bay đến nơi để tế độ rồi trở về tịnh thất.
Phận sự canh đầu đêm.
Đức
Phật giáo huấn chư Tỳ khưu, có số Tỳ khưu hỏi về pháp, về luật; có số
Tỳ khưu xin thọ pháp hành thiền định, pháp hành thiền tuệ; có số Tỳ khưu
nghe pháp. Qua hết canh đầu, chư Tỳ khưu đảnh lễ Đức Phật trở về chỗ ở
của mình.
Phận sự canh giữa đêm.
Đức
Phật cho phép Chư Thiên, Phạm Thiên trong 10.000 thế giới đến hầu Ngài,
đảnh lễ xong đứng một nơi hợp lẽ, bạch hỏi pháp. Đức Phật giảng giải
những câu hỏi của Chư Thiên, Phạm Thiên xong, hết canh giữa, Chư Thiên,
Phạm Thiên đảnh lễ Đức Phật trở về cảnh giới của mình.
Phận sự canh chót đêm.
Đức Phật phân chia canh chót làm ba thời:
Thời đầu: Đức Phật đi kinh hành.
Thời giữa: Đức Phật ngự vào cốc Gandhakuṭi nghỉ ngơi, nằm nghiêng bên phải, có chánh niệm, trí tuệ tỉnh giác, định giờ tỉnh dậy.
Thời
chót: Đức Phật nhập thiền đại bi, khi xả thiền, quán xét chúng sinh
trong 10.000 thế giới bằng Phật Nhãn Tuệ, xem xét chúng sinh nào đã có
gieo duyên lành với Ngài, hoặc đã từng tạo ba-la-mật từ Chư Phật quá khứ
đến kiếp hiện tại này, có khả năng chứng ngộ chân lý Tứ Thánh Đế, chứng
đắc 4 Thánh Đạo, 4 Thánh Quả và Niết Bàn, Ngài ngự đến để tế độ chúng
sinh ấy, dầu ở gần hay xa, trong thế giới này hay thế giới khác.
Có
khi Đức Phật ngự cùng với chư Tỳ khưu du hành khắp mọi nơi để tế độ
chúng sinh có duyên lành nên tế độ. Mỗi ngày, mỗi đêm Đức Phật hành đầy
đủ năm phận sự ròng rã suốt 45 năm cho đến phút giây cuối cùng tịch diệt
Níp bàn.
Đến ngày rằm tháng tư, Ngài được
80 tuổi, Thế Tôn cùng chư Tỳ khưu ngự đến khu rừng Sālā xứ Kusinārā của
Hoàng tộc Malla, để tế độ vị Đạo sĩ Subhadda, bậc Thanh Văn đệ tử cuối
cùng của Đức Phật, bởi vì ngoài Ngài ra, không có một vị nào có khả năng
tế độ vị Đạo sĩ Subhadda được.
Vào canh chót, Đức Phật gọi Đại đức Ānanda khuyên dạy rằng:
Này
Ānanda, trong số các con, nếu có người nào nghĩ rằng: “Đức Thế Tôn tịch
diệt Niết Bàn rồi, chúng ta không còn Đức Tôn Sư”, thì các con chớ có
nên nghĩ như vậy.
Đức Phật dạy rằng:
Này Ānanda, Pháp và Luật, Ta đã giảng dạy và trình bày, sau khi Ta diệt độ, chính Pháp và Luật ấy sẽ là Ðạo Sư của các Ngươi.[3]
Sau đó, Đức Thế Tôn một lần nữa nhắc nhở khuyên bảo các hàng Thinh Văn đệ tử lần cuối cùng rằng:
Này các Tỷ-kheo, nay Ta khuyên dạy các ngươi: "Các pháp hữu vi là vô thường, hãy tinh tấn, chớ có phóng dật".[4]
Lời dạy này của đức phật là lời dạy cuối cùng của ngài (Pacchimabuddhavacana) dành cho các đệ tử như là lời di huấn tối hậu.
Đức
Phật có danh hiệu Đức Phật Gotama là Bậc Cao Cả nhất, Bậc Vĩ Đại nhất,
Bậc Tối Thượng nhất trong toàn cõi thế giới chúng sinh, đã tịch diệt Níp
bàn.
Như vậy ngày Rằm tháng Tư không những là kỷ niệm ngày Bồ Tát Đản sanh, mà còn là ngày Thành đạo và Phật nhập Níp bàn.
Ngày
nay, cứ mỗi mùa trăng tròn tháng Tư, hàng triệu tín đồ Phật giáo trên
khắp thế giới đều hướng tâm về đức Phật. Ngài đã viên tịch Níp bàn,
nhưng ân đức của Ngài vẫn còn mãi theo dòng thời gian. Tuy Đức Phật đã
tịch diệt Níp bàn cách đây 2.556 năm rồi, song Giáo pháp của Ngài vẫn
còn được tồn tại đầy đủ trọn vẹn 84.000 pháp môn cho đến ngày nay.
Nhân
dịp Đại lễ Tam hợp, kinh chúc chư tôn đức Tăng pháp thể khinh an, thân
tâm thường lạc, Phật sự viên thành và trí đạo viên mãn. Kính chúc quý
Phật tử một mùa lễ hội Rằm tháng Tư thật an lành và tràn đầy phước báu.
Tỳ kheo Định Phúc