Sanh con ra, tự nhiên bạn lên ngôi vị cha mẹ. Ngôi vị đó được hình
thành một cách tự nhiên, như nhiên và đôi khi kéo theo sự hoảng hốt, ngỡ
ngàng đối với một số cá nhân, vì họ chưa hề kịp chuẩn bị. Ai cũng bảo
rằng, cha mẹ là một thiên chức cao cả, thiêng liêng. Thế nhưng, thiên
chức đó tự dưng hình thành hay do học tập rèn luyện?
Thử hỏi những bậc đã
là cha mẹ, kiến thức đó họ học được từ đâu? Hay vừa chăm con vừa kiện
toàn thiên chức? Và, những đôi trai gái đang đứng trước ngưỡng cửa hôn
nhân, có mấy ai biết rõ làm cha mẹ phải hội đủ những tiêu chuẩn gì, để
xứng đáng với phẩm vị mà nhân loại xưa nay luôn tán thán, tôn vinh?
Đành
rằng có những tri thức mà con đường kiện toàn không nhất thiết phải
thông qua trường lớp. Tuy nhiên, với những tri thức quan trọng, có khả
năng ảnh hưởng đến mình và những người yêu thương, đòi hỏi chúng ta cần
phải có một thái độ nghiêm túc trong việc củng cố và kiện toàn. Tri thức
làm cha, mẹ là một trường hợp như vậy.
Sinh con, nuôi lớn
Với
đạo Phật, làm cha mẹ là cả một quá trình dài. Ngay khi con cái vừa nhập
thai, thì người mẹ cần phải giữ giới một cách hồn nhiên(1) để đứa con
sinh ra được kế thừa những phẩm chất tối thắng. Theo cách nói của Đức
Phật, người mẹ khi mang thai cần phải cẩn trọng trong mọi bề. Thái quá
hoặc bất cập trong ăn uống hoặc trong tâm tưởng, đều không phù hợp với
một người mẹ hoài thai. Sự cẩn trọng, quan tâm đến con là tư duy luôn
thường trực trong suy nghĩ của một người mẹ. Quan tâm đó được đẩy lên
thành một mối lo to lớn mà kinh gọi là sự lo âu lớn đối với gánh nặng
(2) và kéo dài liên tục, miên man sau chín hay mười tháng trường.(3)
Với
con trẻ, phải tập trung cao độ mọi sự quan tâm của mẹ và cha. Vì chỉ
cần một chút lơ là bất cẩn, thì sức khỏe hoặc tính mạng của con trẻ sẽ
rơi vào vùng nguy hiểm ngay. Thực tế đã có những đứa trẻ lớn lên với vết
hằn năm tháng, do sơ suất hoặc do lỗi lầm không cố ý của ba mẹ, và ở
đây, sự dằn vặt lương tâm sẽ là nỗi trăn trở khôn nguôi cho cả mẹ và cha
mang theo đến cuối cuộc đời.
Kinh Được
nuôi dưỡng tế nhị (4) mặc dù chỉ là sự mô tả khá chi tiết về việc vua
Tịnh Phạn nuôi dưỡng thái tử Tất Đạt Đa, nhưng cũng là một gợi ý tham
khảo cho bất cứ ai muốn nuôi con bằng tất cả những gì có thể. Và, dù quý
tộc hay thứ dân, thức ăn cho bé sơ sinh thì xưa nay không gì bằng sữa
mẹ.
Kinh văn mô tả rằng, khi đã sinh,
người mẹ nuôi hài nhi ấy với máu của mình (5), mà ở đây, theo luật của
bậc Thánh, sữa của bà mẹ được xem là máu (6). Máu của mẹ, con đã hấp thụ
từ thuở ban sơ, để con vươn lên, vững bước thành người.
Dạy con nên người
Dạy
dỗ con cái và giới thiệu chúng vào đời là một trong những trách vụ quan
trọng của những bậc làm cha mẹ được Phật dạy trong kinh Tăng Chi (7).
Từ thực tế cho thấy, có nhiều người sanh con ra nhưng chưa hề quan tâm
đến vấn đề dưỡng dục. Chính vì vậy mà đã có những đứa trẻ lớn lên trong
tủi nhục, trong khổ đau, khiếm khuyết và bất hạnh nhiều bề. “Trời sinh
voi sinh cỏ” là một quan niệm không đúng theo tiêu chí dưỡng dục mà Đức
Phật đã dạy trong kinh.
Trong liên hệ rạch
ròi của nhân quả, tiêu chuẩn dạy con tác động rất lớn đến sự hình thành
những phẩm chất tích cực của một con người. Sanh con thì dễ, nhưng nuôi
dưỡng và dạy dỗ chúng thành người là cả một nỗ lực vô bờ của mẹ và cha.
Ở
đây, kiến thức về giới tính, về tâm sinh lý của từng giai đoạn tuổi tác
cũng là một điều lưu ý quan trọng để các bậc cha mẹ nâng đỡ con cái của
mình. Với trẻ con, cần phải tuần tự dắt dẫn. Hình ảnh Chậu nước bẩn và
Cái gương soi mà Đức Phật viện dẫn trong kinh Trung Bộ (8) để giảng dạy
cho La Hầu La là một kinh nghiệm quý giá. Đôi khi với con, cha mẹ phải
xem như bạn bè mới có thể gần con, để rồi từng bước hiểu con và tiến đến
chia sẻ.
Đó cũng là điều mà kinh gọi: Bạn
ở nhà là mẹ (9) là một điều cần học hỏi đối với các bậc làm mẹ, làm
cha. Với con, hiểu được chúng muốn gì, cần gì khi con cái bắt đầu bộc lộ
tự ngã bản thân, là một lưu ý quan trọng. Thình lình một mai, khi con
trẻ bất ngờ tuyên bố: cha mẹ không hiểu gì về con, tức khi ấy, đã bộc lộ
ra những dấu hiệu gián đoạn tạm thời, trong việc truyền thông giữa các
thế hệ. Khi hiểu được con muốn gì, con cần gì, thì liệu pháp giáo dục,
phương thức nâng đỡ, định hướng của ba mẹ sẽ trở nên hiệu quả và thực tế
hơn.
Thương ai bằng thương con,(10) tuy
chỉ là lời cảm hứng của một vị Trời nhưng đồng thời, đó cũng là chân lý
phổ quát của bất cứ bậc làm cha mẹ đúng mực và đúng nghĩa. Rõ ràng,
thương con là khả tính tự nhiên của bất cứ bậc làm cha làm mẹ nào. Kinh
Từ Bi cũng cũng xác chứng tình cảm của cha mẹ bao la: Như tấm lòng người
mẹ/ Ðối với con của mình/ Trọn đời lo che chở/ Con độc nhất mình sinh
(11).
Tuy nhiên, thương con không đồng
nghĩa với việc chiều con, hoặc dung dưỡng con khi con phạm phải lỗi lầm.
Mặc dù phản đối việc giáo dục con bằng hình phạt, tuy nhiên trong những
trường hợp đặc biệt, với những đối tượng đặc biệt, việc cân nhắc hình
phạt có chừng mực là điều mà được Đức Phật chấp thuận. Hình ảnh một đứa
trẻ bị mắc dị vật và người chăm sóc trẻ cố gắng lấy dị vật đó ra bằng
những phương tiện có thể, là điều mà Đức Phật lặp lại nhiều lần.
Trong
kinh Trung Bộ, Đức Phật đã hỏi vương tử Vô Úy: Nếu đứa con nít này, do
sự vô ý của vương tử, hay do sự vô ý của người vú hầu, thọc một cái que
hay nuốt một hòn đá vào trong miệng, vậy vương tử phải làm gì? - Bạch
Thế Tôn, con phải móc cho ra. Bạch Thế Tôn, nếu con không thể móc ra lập
tức, thời với tay trái con nắm đầu nó lại, với tay mặt lấy ngón tay làm
như cái móc, con sẽ móc cho vật ấy ra, dầu có phải chảy máu. Vì sao
vậy? Bạch Thế Tôn, vì con có lòng thương tưởng đứa trẻ (12).
Cũng
vậy, trong kinh Tăng Chi, hình ảnh ấy được lặp lại không phải hình ảnh
vương tử mà là sự chăm sóc đứa trẻ của bà vú hầu. Theo Đức Phật, dẫu
rằng quá trình giải cứu đứa trẻ ấy không phải không có hại. Như vậy, này
các Tỷ kheo, người vú hầu phải làm như vậy vì muốn lợi ích, vì tìm hạnh
phúc, vì lòng thương tưởng, vì lòng từ mẫn (đứa trẻ) (13) . Phải chăng
chân lý thương cho roi cho vọt vẫn được Phật cho phép, nếu như có sự cân
nhắc hợp lý và tùy tình hình?
Lập gia thất và cho con thừa tự
Cưới
vợ xứng đáng cho con; đúng thời trao của thừa tự cho con (14) là hai
trách vụ quan trọng mà Phật đã dạy bậc làm cha mẹ cần phải thực hiện khi
con đến tuổi trưởng thành. Thời xưa, Ấn Độ cũng như Trung Quốc, việc
lập gia thất cho con, cha mẹ dường như toàn quyền quyết định.
Ngày
nay, bối cảnh xã hội đổi thay, trai gái tự tìm hiểu và tự do đến với
nhau. Mặc dù vậy, sự định hướng của cha mẹ đối với việc lập gia đình của
con cái là điều rất mực cần thiết. Bởi lẽ, với nhận thức đã trưởng
thành của một người từng trải, với kinh nghiệm tự thân cũng như kinh
nghiệm đúc kết từ cuộc sống, việc cha mẹ định hướng, tư vấn về người
phối ngẫu là việc rất cần.
Kinh nghiệm của
bậc làm cha mẹ như gia chủ Nakula được ghi lại trong kinh Tăng Chi, sẽ
giúp cho các đôi vợ chồng không những thấy mặt nhau trong đời này, và
cũng muốn thấy mặt nhau trong đời sau (15) là những giá trị hữu ích,
vượt thời gian mà các đôi yêu nhau cần ghi nhớ. Ở ngày nay, bậc cha mẹ
tốt sẽ khéo léo tham vấn những điều cần thiết, và nhường quyền quyết
định chọn người phối ngẫu cho con cái của mình.
Như
một lẽ tự nhiên, cho con tài sản kề thừa dường như là một thuộc tính cố
hữu của bất cứ bậc làm cha mẹ nào. Ngay như Đức Phật, trong chuyến trở
về hoàng cung lần thứ nhất, La Hầu La nắm tay Phật cầu xin của thừa tự,
Đức Phật đã hoan hỷ chấp thuận bằng cách nhờ Tôn giả Xá Lợi Phất xuất
gia cho cậu ta. Với bậc Thánh, của thừa tự chính là Chánh pháp(16). Với
thế gian, của thừa tự chính là tài sản và những giá trị tinh thần.
Ở
đây, cần phải hiều rằng, của thừa tự cho con không hẳn là vật chất
thuần túy hoặc tài sản cụ thể, mà có thể là phương cách tạo ra tài sản
ấy. Trong hai phương diện thừa tự, việc trao cho con thừa tự sinh kế mà
kinh gọi là dạy con nghề nghiệp(17), là điều quan trọng và bền vững vô
cùng. Bởi lẽ, tuy được thừa tự của cải vật chất, nhưng nếu như gặp phải
nghịch tử, thì gia sản mà cha mẹ để dành sẽ nhanh chóng tiêu vong.
Kinh
Tăng Chi cảnh báo tài sản sẽ bị nguy hiểm về các người thừa tự không
khả ái (18). Do vậy, các bậc làm cha mẹ cần cân nhắc về vấn đề cho con
của cải. Cho như thế nào, cho vào lúc nào với số lượng bao nhiêu… cũng
là điều cần phải căn cứ vào từng biệt nghiệp của các con và tùy tình
hình cụ thể. Đừng để như Bà la môn Mahàsàla19, mặc dù là đại phú hào,
sau khi chia của cho các con, phải chống gậy xin ăn vì các người con đối
xử với ông không tốt.
Hướng con về nẻo thiện lành
Đi
qua gần cuối cuộc đời, ai đó chợt bàng hoàng tự hỏi, mình đã thực hiện
trọn vẹn thiên chức làm cha làm mẹ hay chưa? Với Phật giáo, còn một
trách vụ quan trọng mà cha mẹ phải làm, đó là Ngăn chặn con làm điều ác;
khuyến khích con làm điều thiện (20) mà ở đây chính là hướng con quy y
Tam bảo.
Đọc lại những vần kệ của một nữ
Dạ xoa khi ru dỗ con khóc, mới thấm thía làm sao ý nghĩa gieo mầm Phật
pháp từ khi con còn ẵm ngửa, nằm nôi: … Ðời ái lạc con mình/ Ðời ái lạc
chồng mình/ Nhưng đối với đạo pháp/ Mẹ ái lạc nhiều hơn./ Con hay chồng
dầu thân/ Không cứu ta thoát khổ/ Không như nghe diệu pháp/ Chúng sanh
được thoát khổ/ Trong đau khổ đời sau/ Dính liền già và chết/ Chánh pháp
Ngài giác ngộ/ Giải thoát khỏi già chết/ Mẹ muốn nghe pháp ấy/ Hãy nín
đi con ơi/ Này Punabbasu (21).
Xuyên qua
nhiều pháp thoại liên quan đến vai trò làm cha mẹ, được Đức Phật tùy
nghi chỉ bày trong kinh điển, mặc dù vậy, đôi chỗ cũng cần phải soi sáng
thêm kiến thức từ thực tiễn, mới có thể kiện toàn tri thức cho những
bậc làm cha mẹ ngày nay. Cha mẹ là vị thầy cao cả đầu đời. Trong kinh
điển, cha mẹ còn được ví sáng chói như Phạm thiên.
Ý
thức được vai trò quan trọng và thiêng liêng đó để củng cố kiện toàn
cách thức, tri thức làm cha mẹ, là tâm thế tích cực trước khi bước lên
phẩm vị thiêng liêng: được làm cha mẹ trên đời.
Chúc Phú
Ghi chú
1
Kinh Trung Bộ, tập 3, Kinh Hy hữu vị tằng hữu pháp, số 123. 2 Kinh
Trung Bộ, tập 1, Đại kinh đoạn tận ái, số 38. 3 Kinh đã dẫn. 4 Kinh Tăng
Chi, chương Ba pháp, phẩm Sứ giả của Trời, Kinh Được nuôi dưỡng tế nhị.
5 Kinh Trung Bộ, tập 1, Đại kinh Đoạn tận ái, số 38. 6 Kinh đã dẫn. 7
Kinh Tăng Chi, chương ba pháp, phẩm Sứ giả của Trời, Kinh Ngang bằng với
Phạm Thiên. 8 Kinh Trung Bộ, tập 2, Kinh Giáo giới La Hầu La ở rừng Am
Bà La, số 61. 9 Kinh Tương Ưng, tập 1, Thiên có kệ, Tương ưng chư thiên,
Phẩm Già, Kinh Bạn. 10 Kinh Tương Ưng, tập 1, Thiên có kệ, Tương ưng
chư Thiên, phẩm Vườn hoan hỷ, Kinh Không ai bằng con. 11 Kinh Tiểu Bộ,
Kinh Tập, Kinh Từ Bi. 12 Kinh Trung Bộ, tập 2, Kinh Vương tử Vô Úy. 13
Kinh Tăng Chi, chương Năm pháp, phẩm Sức mạnh hữu học, Kinh Dục vọng. 14
Kinh Trường Bộ, tập 2, Kinh Giáo thọ Thi Ca La Việt, số 31. 15 Kinh
Tăng Chi, chương Bốn pháp, phẩm Nguồn sanh phước, Kinh Xứng đôi. 16 Xem
thêm Trung Bộ kinh, tập 1, Kinh Thừa tự pháp, số 3. 17 Kinh Trường Bộ,
tập 2, Kinh Giáo thọ Thi Ca La Việt, số 31. 18 Kinh Tăng Chi, chương Năm
pháp, Phẩm Du hành dài, Kinh Tài sản. 19 Kinh Tương Ưng, tập 1, chương
VII, tương ưng Bà La Môn, phẩm Cư sĩ, Kinh Mahasala: Đại phú giả hay y
choàng thô. 20 Kinh Trường Bộ, tập 2, Kinh Giáo thọ Thi Ca La Việt, số
31. 21 Kinh Tương Ưng, tập 1, Thiên có kệ, chương X, Tương ưng Dạ xoa,
Kinh Punabbasu.